TUNTHETHAO365.ORG
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Đội tuyển Việt Nam

Từ chấn thương của Son: Cái giá phải trả khi Tiến Dũng, Thành Chung chịu đau đá sớm là gì?

Thứ tư, 08/09/2021 13:14 (GMT+7)

Cùng gặp một loại chấn thương và đều là trụ cột của ĐTQG, nhưng Son Heung Min và Bùi Tiến Dũng được chăm sóc theo những cách khác nhau, phản ánh sự khác biệt trong tư tưởng của một nền bóng đá.

Ngày 7/9, HLV Park Hang Seo gây bất ngờ cho người hâm mộ khi điền tên trung vệ Bùi Tiến Dũng đá chính ở trận đấu giữa ĐT Việt Nam gặp ĐT Australia. Trước trận, anh đã gặp vấn đề về cơ đùi và được dự đoán là không có khả năng thi đấu, nhưng cuối cùng cầu thủ của Viettel đã thế chỗ của Duy Mạnh trong đội hình ra sân.

Tiến Dũng thi đấu tương đối tốt trên sân Mỹ Đình buổi tối ngày hôm đó, nhưng anh cũng không thể đá trọn vẹn cả trận. Cầu thủ quê Hà Tĩnh rời sân ở phút 81 với bàn chân tập tễnh, nhường chỗ cho cái tên trẻ hơn là Hồ Tấn Tài. Thành Chung, người bị đau ở trận trước cũng ra sân ngay từ đầu. Anh rời sân phút 74 vì chấn thương rách bắp đùi, nhường chỗ cho Thanh Bình. Người hâm mộ lo lắng cho tình trạng của bộ đôi trung vệ trong trận đấu vừa qua, nhất là sau khi chứng kiến những ca tái phát chấn thương của Đình Trọng hay Văn Hậu.

Sự lo lắng ấy là có cơ sở khi kết quả chụp y tế cho thấy, Thành Chung bị rách bắp đùi, sẽ phải nghỉ thi đấu hơn 1 tháng.

Từ Son Heung Min nhìn về Tiến Dũng, Thành Chung - Ảnh 3
Tiến Dung ra sân bất chấp chấn thương

Ở trận đấu diễn ra cách Hà Nội 2.700km đường chim bay, ĐT Hàn Quốc quyết định ra sân đối đầu với Li Băng mà không có Son Heung Min trong đội hình. Ngôi sao của Tottenham Hotspur cũng gặp chấn thương cơ đùi. Nhưng khác với hậu vệ tuyển Việt Nam, anh được cho nghỉ ngơi, chứng các đồng đội giành chiến thắng 1-0 trước đội bóng nằm bên bờ Địa Trung Hải trên khán đài.

Gặp cùng một loại chấn thương và cùng thi đấu ở giải đấu có tính chất quan trọng như Vòng loại World Cup, nhưng Tiến Dũng và Son Heung Min lại được chăm sóc theo những cách khác nhau. Điều đó phản ánh tính chất của hai nền bóng đá và cả cách dùng người của các HLV.

Tiến Dũng, Thành Chung và hệ quả của nền bóng đá ưu tiên thành tích của ĐTQG

Không cần đến những con số thống kê để chỉ ra người hâm mộ bóng đá Việt Nam cuồng nhiệt ra sao. Bóng đá luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của phần đông dân số của đất nước hình chữ S. Sự yêu thích môn thể thao vua cộng với lòng yêu nước biến mỗi trận đấu của ĐTQG áp đảo mọi sự kiện khác diễn ra vào cùng thời điểm.

Từ Son Heung Min nhìn về Tiến Dũng, Thành Chung - Ảnh 2
Thành Chung nghỉ 1 tháng sau trận đấu ngày 7/9

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam khao khát được thấy đội bóng đại diện cho đất nước gặt hái những thành công. Và khi ĐTQG đạt được thành tích tốt, người dân cả nước sẽ cùng nhau đi ăn mừng. Không cần phải tới năm 2018 khi đội U23 trở thành á quân châu Á chúng ta mới được chứng kiến điều đó, mà sự cuồng nhiệt ấy đã diễn ra từ những năm 1998 hay chức vô địch AFF Cup 2008 rồi. Đi kèm với đó là những khoản tiền thưởng, tiền tài trợ trị giá cả chục tỷ đồng.

Vì những lý do ấy, không khó hiểu khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) lựa chọn việc ưu tiên thành tích của ĐTQG lên trên hết. V.League luôn bị dồn lịch để giúp ĐT Việt Nam, ĐT U22 có thời gian chuẩn bị tốt nhất, thậm chí lên tới… cả tháng trời cho 2-3 trận đấu. Họ thậm chí còn dời lịch V.League 2021 sang năm 2022 để ưu tiên cho các trận đấu của đội tuyển. Không chỉ có ĐTQG hay U23, đôi khi các trận đấu của lứa U19 cũng được ưu tiên hơn cấp CLB. Đã từng có câu chuyện đội bóng hàng đầu miền Bắc ‘miễn cưỡng’ phải nhả người cho đội U19 quốc gia dù V.League vẫn diễn ra đầy khốc liệt.

Những cầu thủ thi đấu trong nền bóng đá như vậy thừa hiểu rằng, phục vụ ĐTQG sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, hơn nhiều so với cấp CLB. Để rồi khi những chàng trai phải lựa chọn giữa ‘nghĩa vụ’ và sức khỏe/sự nghiệp của bản thân, những quyết định liều lĩnh đã được đưa ra.

Bùi Tiến Dũng bị rách cơ, Thành Chung nén đau vẫn vào sân thi đấu không phải là những trường hợp đầu tiên của bóng đá Việt. Trước anh, chúng ta đã thấy tấm gương của Đình Trọng, Tuấn Anh, Văn Hậu. Và chắc chắn, hai trung vệ của ĐT Việt Nam ra sân ngày 7/9 cũng không phải là những trường hợp cuối cùng.

ĐT Việt Nam không đơn độc

VFF không phải là Liên đoàn duy nhất trên thế giới giành quá nhiều sự ưu tiên cho đội tuyển quốc gia. Thậm chí, có nhiều đội bóng nổi tiếng khác sẵn sàng hành động tương tự.

Giống với Việt Nam, Trung Quốc ‘ép’ các CLB phải thi đấu 12 trận trong vòng 5 tuần để sớm nhường chỗ cho đội tuyển tập trung thi đấu. Điều này đã dẫn tới chấn thương của nhiều cầu thủ. Argentina có thời điểm triệu tập các cầu thủ trong nước bất chấp việc giải vô địch quốc gia vẫn đang tiếp diễn. Hay tại Olympic vừa qua, ĐT U23 Nhật Bản đã triệu tập toàn bộ những cầu thủ tốt nhất từ ngày 5/7 tới hết ngày 8/8, bỏ mặc việc các CLB ‘kêu trời’ thiếu người do J.League vẫn diễn ra cùng thời điểm.

Từ Son Heung Min nhìn về Tiến Dũng, Thành Chung - Ảnh 1
Tiến Dũng nén đau cũng không thể đá hết trận

Câu chuyện cầu thủ bất chấp chấn thương để thi đấu thì dễ thấy hơn cả. Tiền vệ Leandro Paredes từng thừa nhận anh nén đau thi đấu tới 4 trận đấu cuối cùng của Copa America 2021, đề rồi bước vào mùa giải mới với việc phải ngồi ngoài vài tuần. Bản thân Messi cũng bị va chạm liên tục tới chấn thương ngay ở vòng bảng, nhưng vẫn gắng gượng đưa đội nhà tới với chức vô địch giải đấu. Trường hợp của Mohamed Salah của ĐT Ai Cập tại World Cup 2018 cũng là tương tự. 

Nhưng nếu như Argentina, Ai Cập dùng người ở các giải đấu lớn như World Cup, Copa America thì các ban huấn luyện của ĐT Việt Nam lại dùng ở… giải U23 châu Á hay vòng loại World Cup. Đó là một giải trẻ và một giải mang tính chất dài hơi, ngắt quãng. Điều đó thực sự gây hại cho các cầu thủ, vốn đang được chăm sóc bởi một nền y tế thể thao còn nhiều thiếu thốn.

Nhìn từ trường hợp của Son Heung Min 

Ngày 7/9, tiền vệ ngôi sao người Hàn Quốc bị gạch tên khỏi danh sách thi đấu ở trận gặp Li Băng vì chấn thương. Trước đó, anh bị rách cơ trong một buổi tập, nhưng đó chỉ là một vết đau nhẹ. Trang chủ của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc ghi rõ: “Son Heung Min không thi đấu vì sự an toàn của cầu thủ này”.

Từ Son Heung Min nhìn về Tiến Dũng, Thành Chung - Ảnh 4
Là siêu sao, Son Heung-min được bảo vệ 1 cách tối đa - Ảnh: Getty

Vị thế của Son Heung Min ở ĐTQG Hàn Quốc còn lớn hơn cả Tiến Dũng, Thành Chung hay Đình Trọng ở ĐTQG Việt Nam. Anh không chỉ là ngôi sao của đội mà còn là cầu thủ châu Á thành công nhất thời điểm này. Nhưng HLV Paulo Bento vẫn quyết định không sử dụng cầu thủ sinh năm 1992.

Một phần cho quyết định ấy xuất phát từ việc ông Paulo Bento đến từ Bồ Đào Nha, và bản thân Son Heung Min cũng đang thi đấu cho một đội bóng Anh. Ở những nền bóng đá phát triển hơn, sự an toàn của các cầu thủ luôn được đặt lên hàng đầu. Quy chế rõ ràng của FIFA và các giải đấu cũng giúp CLB có tiếng nói trong việc tác động lên các ĐTQG trong việc sử dụng  của mình.

Để rồi đây, Son Heung Min vắng mặt ở cấp độ ĐTQG nhưng hoàn toàn có thể thi đấu cho Tottenham ngay cuối tuần này tại Ngoại hạng Anh. Trong khi đó, số trận mà Đình Trọng, Văn Hậu ra sân cho CLB Hà Nội trong 1 năm qua chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, sau những lần ‘lên tuyển’ trong trạng thái không lành lặn.

Ở Việt Nam, việc được thi đấu cho ĐTQG là thiêng liêng, được coi là ‘mệnh lệnh’ phải đặt lên hàng đầu. Nhưng nếu chúng ta có được một đội hình dày hơn, có cách sử dụng cầu thủ hợp lý hơn và một nền y học thể thao cao hơn, có lẽ những ngôi sao đang chiến đấu hết mình vì lá cờ đỏ sao vàng sẽ không phải đưa ra lựa chọn để đánh đổi sức khỏe và sự nghiệp của mình.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá