Trương Cao Minh Phát: Lương tháng 9 triệu đủ sống với đam mê và 'địa ngục' nơi đất tổ Muay Thái
Thứ bảy, 30/04/2022 11:10 (GMT+7)
Trước thềm SEA Games 31, võ sĩ Trương Cao Minh Phát đã chia sẻ cùng Xxsmienbac.com về những ngày khó khăn khi mới dấn thân theo nghiệp võ thuật. Anh cũng tiết lộ về 5 tháng 'sống như địa ngục' ở đất tổ Muay Thái Lan, khoảng thời gian giúp anh trưởng thành như hiện nay.
Xxsmienbac.com: Cơ duyên nào đã đưa Phát đến với võ thuật?
Trương Cao Minh Phát: Tôi sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng. Lúc nhỏ tính tôi khá nhát gan, nên mẹ đưa tôi đi học võ để giúp tôi bạo dạn hơn. Ban đầu tôi tập Taekwondo trong khoảng 2-3 năm. Tôi tập được một thời gian thì trong nhà có một người anh họ bị bắt nạt. Bác tôi biết vậy liền đưa anh ấy qua tập Võ cổ truyền trước.
Anh họ tôi tập Võ cổ truyền khoảng 1 tháng thì đánh lại được kẻ bắt nạt kia. Bác tôi biết vậy thì khuyên tôi qua tập Võ cổ truyền cùng anh vì đây có vẻ là môn võ tốt hơn. Hồi đó tôi tập Võ cổ truyền có cả các đòn lên gối, đánh chỏ. Đó chính là nền tảng giúp tôi tập Muay sau này, và tôi gắn bó với nó từ đó đến giờ.
Tôi chuyển từ Võ cổ truyền qua Muay Thái bởi nếu chơi theo luật của Võ cổ truyền hiện giờ thì tôi thi đấu thua rất nhiều. Nhưng kể từ khi chuyển sang đấu Muay, lối đánh đó hợp với tôi hơn. Thế nên tôi tập luyện và thi đấu Muay như thời điểm hiện tại. Nhìn chung, môn võ nào cũng có cái hay của nó.
Đâu là điểm khác biệt khiến Phát thành công với Muay?
Võ cổ truyền hiện đại thời gian gần đây đánh theo lối tính điểm. Tôi lại thi đấu theo phong cách chậm, chắc, trao đổi đòn thế nên khi đấu đối kháng tôi thua điểm rất nhiều. Nhưng Muay lại khác bởi lối đánh khá tương đồng với cách thi đấu của tôi. Đó là lý do tôi bắt đầu gắn bó với Muay.
Tôi tập Muay khoảng 3 năm thì bắt đầu có thành tích khi thi đấu, sau một thời gian nữa thì tôi đầu quân cho CLB hiện tại. CLB hỗ trợ tôi sang tập huấn ở Thái Lan 5 tháng. Đó là thời điểm tôi hấp thu tinh hoa của Muay ở chính quê hương môn võ này và dần dần tiến bộ theo thời gian.
Phát tranh tài ở nội dung đối kháng hạng cân 63,5kg nam tại SEA Games 31
Tại sao Phát lại quyết định theo con đường võ thuật, vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp?
Năm lớp 9, tôi vẫn tập quyền thuật Võ cổ truyền chứ không tập đấu đối kháng, cũng thường xuyên bị anh em bạn bè trong xóm bắt nạt. Tôi quyết định chuyển sang tập đánh đối kháng để thoát cảnh bị đánh, bị ăn hiệp. Sau khi tập khoảng 1-2 tháng thì tôi về thử giao đấu, và đánh được một người từng bắt nạt mình.
Lúc đó, trong đầu tôi nảy lên suy nghĩ sao võ thuật thú vị quá. Tôi tập luyện thêm một thời gian nữa, tiếp tục thử giao đấu với người anh kia và lại thắng. Các HLV thấy tôi có tố chất nên gợi ý khuyên tôi đi đấu giải. Ban đầu tôi sợ lắm nhưng cuối cùng cũng giành chiến thắng ở trận đầu tiên.
Thắng lợi trong ngày đầu lên sàn thi đấu giúp tôi có thêm sự tự tin để bước vào vòng đấu tiếp theo. Tuy vậy, đến trận sau thì tôi thất bại. Năm đó tối 16 tuổi, phải đánh với một võ sĩ 18 tuổi. Sau trận, tôi khóc, tức vì thua cuộc. Anh đó sau này gặp lại tôi vẫn chỉ vào tôi và nói với mọi người "Hồi xưa ở giải trẻ đánh cho Phát khóc nhè luôn".
Bị thua, lại còn bị chế giễu như vậy nên tôi tức lắm. Tôi quyết định về tập luyện hăng say hơn nữa, để đến giải tiếp theo gặp lại anh ta và đánh hạ. Đáng tiếc là ở giải đấu sau đó thì anh ấy lại sớm nghỉ thi đấu. Nếu ở trong phạm vi Lâm Đồng, anh ấy là người duy nhất có thể đánh bại tôi từ trước đến giờ.
5 tháng ở Thái Lan tôi luyện Phát thành một võ sĩ thực thụ
Còn về cơ duyên với Muay, tôi có dịp xem anh Nguyễn Trần Duy Nhất thi đấu. Tôi để tóc như anh Nhất, học theo lối đánh của anh nữa vì lòng ngưỡng mộ. Năm tôi học lớp 11, anh Nhất vô địch giải Muay thế giới lần đầu tiên. Kể từ đó, tôi chỉ đợi đến năm 18 tuổi để được rời khỏi Lâm Đồng, vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục vừa học, vừa theo đuổi đam mê với võ thuật.
Gia đình có hoàn toàn ủng hộ Phát theo đuổi đam mê chứ?
Thú thực, tôi không giỏi chuyện học hành. Hồi còn nhỏ, bố mẹ tôi nhiều lần phàn nàn, nhắc nhở tôi về chuyện học tập. Lý do bởi ngày ấy tôi ham mê võ thuật quá, mải đi tập nên đến trường thì mệt lắm, chỉ muốn nằm ngủ (cười). Ngay cả khi ngồi học trong lớp thì tôi cũng chỉ nghĩ về võ. Người học võ nhìn chung rất lỳ, và họ thường cương quyết đi theo con đường mình đã chọn.
Khi biết tôi muốn theo đuổi sự nghiệp võ thuật thì mẹ tôi ngăn cấm, còn bố chỉ nói: "Nếu con thực sự đam mê thì con cứ đi. Nhưng làm gì thì con cũng cần cố gắng học hành đàng hoàng, tử tế". Mẹ tôi từng bắt tôi nghỉ tập võ để tập trung vào chuyện học hồi năm lớp 12, nhưng tôi bảo nếu bắt tôi nghỉ tập võ thì tôi cũng nghỉ học.
Thấy tôi cương quyết muốn theo đuổi võ thuật, mẹ tôi mới dịu đi. Mẹ đồng ý cho tôi tập võ và thi đấu, nhưng phải đảm bảo được chuyện học hành. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì tôi vào TP Hồ Chí Minh đến tận bây giờ.
Sở trường của Phát là những cú ra đòn rất mạnh bằng tay và chân trái
Tuy nhiên, quãng thời gian đầu tiên tôi tập luyện Muay không suôn sẻ như tôi nghĩ. Từng có thời điểm tôi tập luyện, gặp chấn thương và bị loại khỏi đội Muay TP Hồ Chí Minh. Tôi phải mất thêm 2-3 năm để đầu quân cho một đơn vị thể thao khác. Hiện tại thì tôi là võ sĩ của đoàn Bình Dương.
Vậy trong quãng thời gian khó khăn đó, Phát làm gì để kiếm sống?
Tôi được gia đình hỗ trợ một phần, còn lại là tự lao động, tự làm việc. Có thời gian tôi phụ việc ở phòng gym của một người anh rồi đi bốc vác. Tôi ở ké phòng tập CLB, ăn bữa đói bữa no. Nghĩ lại thì quãng thời gian đó rất khổ. May là tôi không ăn chơi, không có vui thú, lại có anh em cùng sinh hoạt nên cũng sống được qua ngày.
Khi tôi mới đầu quân cho Bình Dương, tôi được nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Với tôi khi ấy, thu nhập như vậy là cao rồi, chỉ cần chăm lo ăn tập và thi đấu thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận huấn luyện gym tại gia, tính ra thu nhập hàng tháng là 9-10 triệu đồng. Như vậy là đủ để sống với đam mê rồi.
Anh đã bao giờ gặp phải những mối quan hệ xã hội phức tạp chưa?
Thực ra tôi cũng có gặp những người như thế, nhưng tôi chỉ muốn gắn bó bản thân với võ thuật. Có nhiều người anh lớn từng nói tôi đi theo họ, nhưng tôi luôn trả lời: em vào TP Hồ Chí Minh tập võ là có mục đích. Tôi chỉ muốn gắn bó bản thân với võ thuật và sẽ đi trên con đường này đến cùng.
Phát trong một buổi tập
Tôi may mắn là gặp được những người bạn, những người anh hiểu đam mê võ thuật của mình. Trên bàn ăn, tôi thường chỉ ngồi cùng các em nhỏ, uống nước ngọt chứ không ngồi "mâm trên" với các anh. Tôi phải làm vậy để giữ sức khỏe, chứ mình cứ uống bia rượu thì công việc sẽ ảnh hưởng ngay. Giờ đây tôi còn mở một phòng gym ở quê nhà nữa nên phải làm gương cho các võ sĩ trẻ.
Phát có sở thích nào ngoài võ thuật không?
Tôi thích chơi Liên Minh Huyền Thoại sau giờ tập. Mỗi ngày tôi có thể chơi 1-2 tiếng tùy vào lịch tập luyện, thường là sau giờ ăn trưa hoặc ăn tối. Thay vì ra ngoài đường đi chơi, tôi ở nhà chơi game cho đỡ tốn kém. Nhìn chung tôi không để chuyện chơi game ảnh hưởng đến lịch tập luyện, sinh hoạt hàng ngày.
Anh có gặp nhiều chấn thương khi tập luyện, thi đấu không?
Nhiều chứ. Võ sĩ nào tập luyện, thi đấu nhiều năm cũng gặp phải rất nhiều chấn thương. Tôi không muốn nói nhiều về những chấn thương ấy, bởi võ sĩ phải cứng đầu và tự tìm cách vượt qua. Chấn thương là chuyện bình thường, nhất là trong võ thuật. Con người cũng giống như đồ vật mà, dùng nhiều sẽ trục trặc.
Tôi có một số chấn thương cố hữu như các sụn khớp đầu ngón tay đã vỡ hết do đấm quá nhiều. Cổ tay của tôi cũng vậy, cứ trái gió trở trời là bắt đầu đau nhức. Chân trái của tôi cũng bị méo vì một lần đá bị nứt xương hồi nhỏ. Nói chung tôi gặp phải nhiều chấn thương nhưng phải tập làm quen với nó.
Điều gì giúp Phát trở thành một võ sĩ liên tục đánh bại những tượng đài của Muay Việt Nam?
Có thể nói là tôi may mắn trong quá trình chuẩn bị, may mắn học những tinh túy đẹp nhất của Muay. Tôi gặp được nhiều HLV giỏi ở cả câu lạc bộ và khi sang Thái Lan thi đấu, nếu không thì tôi không thể như bây giờ. Đó là khoảng thời gian rất kinh khủng vì tôi phải liên tục đấu với những võ sĩ mạnh hơn mình, giúp mình phá vỡ giới hạn.
5 tháng tập huấn ở Thái Lan, mỗi tháng tôi dùng hết một bịch thuốc tan máu bầm rất lớn. Anh Nhơn (võ sĩ Nguyễn Kế Nhơn) khuyên tôi phải luôn chuẩn bị trước để uống. Khi đến đó tập, tôi gặp nhiều võ sĩ nước ngoài cao lớn, họ đánh mình đến chảy máu mũi. Có hôm đêm nằm ngủ, máu mũi cũng xịt ra luôn.
Nhưng đấu đối kháng nguy hiểm nhất là gặp những võ sĩ trẻ Thái Lan. Họ lần lượt lên đấu với mình, nhưng người đấu trước nói chuyện với người sau để biết đòn nào khiến mình đau nhất. Ví dụ như trước đó mình hay bị thúc gối vào sườn, thì võ sĩ sau đó sẽ đánh mình y như vậy. Phải vượt qua những thời khắc như thế thì tôi mới trưởng thành hơn.
Tháng đầu tiên là tháng kinh khủng nhất, bởi họ muốn "ma cũ ăn hiếp ma mới". Đó là một lò võ lớn, ai cũng muốn thể hiện bản thân để được thi đấu. Nhiều hôm tôi chịu đòn nặng tới mức chui vào phòng tắm khóc luôn vì đau quá, ăn đòn nhiều quá. Không chỉ có võ sĩ, ngay cả HLV của họ cũng đánh để tập cho mình chịu đòn. Có những lúc tôi nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào.
Qua tháng đầu tiên, chúng tôi bước sang tháng tiếp theo mà chịu đòn nặng hơn. Có lần tôi bị đấm, ngã xuống sàn đài mà người co giật. Mắt tôi sưng to đến mức khó nhìn mọi thứ xung quanh. Nói chung đó là 5 tháng sống như trong địa ngục, nhưng giúp tôi tiến bộ lên rất nhiều.
Có một "mánh" để tôi và anh Nhơn ít chịu đòn hơn trong khoảng thời gian đó. Nếu trước giờ tập, chúng tôi bỏ ra ít tiền mua nước ngọt rồi mời họ cùng uống thì các võ sĩ sẽ ra đòn nhẹ hơn với mình. Nhưng cứ hết tiền, hết nước ngọt thì những ngón đòn lại nặng như thường "cười". Những người rèn đòn cho chúng tôi là những võ sĩ trẻ của Thái Lan nhưng rất tài năng.
Võ sĩ Thái Lan ra đòn liên tục, nhanh tới mức mình không thể áp sát. Họ Thái Lan có đẳng cấp rất cao. Có người cùng tuổi với tôi mà ở khoảng thời gian ấy đã đánh hơn 300 trận. Anh ấy đánh ở hạng cân 54kg mà đánh với 2 người hạng 63kg cho cả 2 knock-out luôn. Cá nhân tôi tính tất cả thì đến lúc này mới đấu được khoảng 70 trận thôi.
Vậy Phát có đánh trận đấu chính thức nào khi ở Thái Lan không?
Có chứ. Lúc tôi mới sang Thái Lan thì họ đưa tôi vào thi đấu ở một trong những đấu trường khắc nghiệt nhất tại đó. Đấu trường La Mã ra sao thì nó y như vậy. Khi tôi chuẩn bị băng tay thì ở dưới khán giả cá độ, hô hào, hò hét, nghĩ lại vẫn thấy khó ngủ.
Tôi đánh trận đấu chính thức đầu tiên ở Thái Lan thì thua, đến trận thứ 2 thì gặp một võ sĩ có đai vô địch Muay. Trận thứ 3, tôi bị một võ sĩ khác đánh chỏ trúng người, để lại vết móp trên xương đến tận bây giờ. Tôi chảy nhiều máu đến mức hết trận, ngồi ăn thì lấy tay nạy ra một cục máu đông to bự trên người.
Lúc tôi mới về nước, thân thể vẫn bầm dập vì những trận đòn bên Thái Lan. Tôi phải ở lại TP Hồ Chí Minh một thời gian rồi mới về thăm nhà ở Lâm Đồng, không được để bố mẹ biết mình bị chấn thương nặng như thế nào. Chấn thương tôi gặp ở Đại hội TDTT toàn quốc 2018 cũng vậy, rạn ống quyển và mẻ xương cùi chỏ.
Sau Đại hội năm 2018, tôi phải nghỉ ngơi mất 4-5 tháng để hoàn toàn bình phục chấn thương. Riêng chấn thương tay thì tôi phải nghỉ 7 tháng. Tôi chọn cách im lặng và vượt qua vì không muốn bố mẹ bận tâm, lo lắng quá nhiều cho mình, không muốn công việc của bố mẹ suy nghĩ quá nhiều vì mình nữa.
Bạn gái của tôi bây giờ cũng vậy. Chúng tôi quen nhau, hẹn hò với nhau thì cả hai cũng thấu hiểu, thông cảm cho nhau. May là bạn gái tôi từng tập võ thuật nên cũng hiểu cho cuộc sống của một võ sĩ.
Phát học được những gì từ anh Duy Nhất?
Tôi thấy anh Duy Nhất không chỉ là một võ sĩ giỏi, mà còn có quyết tâm rất lớn. Tôi muốn trong tương lai mình có thể bước đi trên con đường giống như anh ấy. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn so sánh bản thân với anh Nhất. Võ sĩ Việt Nam cần hướng đến những thứ khác, nhìn ra ngoài thế giới và tiếp tục phấn đấu.
Ở độ chín của sự nghiệp, Phát nghĩ sau này mình sẽ làm gì?
Tôi nghĩ sau khi không thi đấu nữa, tôi sẽ chuyển sang hướng làm ông bầu và tổ chức sự kiện Muay. Lúc tập tôi cũng hình dung ra con đường của mình trong tương lai rồi. Về phòng tập hiện tại, đó là lời hứa của tôi khi từ Lâm Đồng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Tôi hứa khi thành công sẽ tạo một nơi để những võ sĩ, những người có chung đam mê đến đó giao lưu, trau dồi tài năng và đã làm được. Ngày xưa tôi chỉ được tập trên nền xi măng, "phòng tập" là bao bố treo lên một cái cây để mình tập. Còn về hướng làm ông bầu, ngày xưa tôi không có ai hướng dẫn mình cả, nên giờ tôi muốn mình trở thành người chỉ bảo cho các em.
Với những em nhỏ muốn tập luyện và đấu Muay, Phát thu xếp mọi chuyện như thế nào?
Đầu tiên tôi sẽ ngồi nói chuyện với gia đình của các em. Dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi sẽ nói để họ hiểu hơn và tạo điều kiện. Hiện tại các em có vào TP Hồ Chí Minh tập và được gia đình đi cùng chăm sóc. Đương nhiên không có phụ huynh nào muốn con mình bị ăn đòn, nên các bậc cha mẹ cần chuẩn bị sẵn tâm lý cho điều đó thì mới cho phép con cái thi đấu được.
Phát có nghĩ mình sẽ làm gì ngoài võ thuật không?
Hồi 16 tuổi, khi còn ở Lâm Đồng, tôi đã ước mơ mang cái tên Trương Cao Minh Phát đến với Việt Nam. Cuộc đời của tôi không được đi thẳng như người khác, nhưng tôi chỉ biết tiếp tục gắn bó với võ thuật và sống vì nó. Tôi muốn mình sẽ đi chung một con đường với võ thuật, với Muay đến hết cuộc đời.
Tôi đã gắn bó với nó gần 20 năm rồi, nên không thể làm gì tốt hơn làm những công việc liên quan đến võ thuật. Ngày xưa mình đi bạt mạng, không có định hướng, giờ các em có mình định hướng thì sẽ tốt hơn. Tôi cũng nghĩ đến kế hoạch lập gia đình trong tương lai.
Phòng tập của tôi ở quê nhà Lâm Đồng hiện tại nằm ngay trước nhà. Nếu sau này con tôi muốn theo đuổi võ thuật, có đủ đam mê thì tôi sẽ ủng hộ, không ngăn cấm.
Vậy ngoài võ thuật, Phát có thể làm được điều gì khác?
Tôi có thể về quê nhà nuôi cá, trồng rau và sống yên bình, kể cả nếu tôi có thành siêu sao thì sau này vẫn muốn như vậy. Tôi đã ở TP Hồ Chí Minh gần 10 năm, nhưng vẫn muốn sau này về quê nhà lập nghiệp. Làm người đàn ông của gia đình cũng tốt mà.
*Ảnh NVCC