Trận đấu kinh điển
Chủ nhật, 27/06/2021 16:31 (GMT+7)
Đội tuyển Đức giờ này không còn nghĩ về Bồ Đào Nha hay Hungary nữa. Họ biết chắc rằng, trận đấu tranh vé vào vòng tứ kết tới đây sẽ một trận đấu hoàn toàn khác. Gặp Anh, đó sẽ là một trận đấu đầy kích thích với cầu thủ và rất hấp dẫn với khán giả. Thậm chí còn có thể nói rằng, "Không có cuộc tỷ thí nào giữa hai đội tuyển quốc gia lại chất chứa nhiều cảm xúc và có nhiều ý nghĩa lịch sử như cuộc đối đầu Anh - Đức".
Uwe Seeler, 84 tuổi, người ghi bàn trong trận Đức thắng Anh 3 -2 trong hiệp phụ ở tứ kết World Cup năm 1970 nhận xét: "Tính kích thích của trận đấu có nguyên nhân sâu xa ở triết lý của hai nền bóng đá. Cả hai đều nuôi dưỡng truyền thống về tinh thần bóng đá chiến đấu. Khi họ gặp nhau, tất cả được đẩy lên đến đỉnh điểm như một truyền thống". Cùng là chiến đấu, nhưng người Anh nổi tiếng với những bước chạy không mỏi mệt, còn người Đức lại tạo ra sự khác biệt bằng ý chí sắt đá. Đấy đều là những nền bóng đá lớn.
Franz Beckenbauer, 75 tuổi, là một chứng nhân đặc biệt trong lịch sử đối đầu Đức - Anh. Ông có mặt trong trận chung kết Đức Anh năm 1966 trong tư cách cầu thủ. Lần ấy Anh lên ngôi vô địch. Sau 24 năm, 1990, ông là HLV khi Đức gặp Anh ở bán kết và thắng trong loạt phạt đền luân phiên. Năm ấy, Đức vô địch thế giới. Beckenbauer đi nhiều và được phỏng vấn nhiều, một trong những câu nói ông hay nhắc lại là một câu tiếng Anh pha giọng Bayern: "We call it a Klassiker". Quả vậy, Đức - Anh là một trận đấu kinh điển của bóng đá thế giới.
Leon Goretzka, 26 tuổi, là người góp phần tạo ra cuộc gặp gỡ lần thứ 37 giữa hai quốc gia trên sân cỏ, bằng bàn thắng gỡ hòa 2 -2 trong trận đấu khó nhọc với Hungary ở những phút cuối cùng của trận đấu. Anh nói: "Đức - Anh tạo ra những đêm bóng đá được cả thế giới mong chờ". Chúng ta cũng mong chờ Goretzka sẽ ra sân ở đội hình chính thức trong trận đấu tới đây, vì anh là hình ảnh đầy hy vọng hiện nay.
Các trận đấu Đức - Anh thường tạo ra những dấu ấn lịch sử, những khái niệm bóng đá mới.
Như thuật ngữ "Bàn thắng Wembley". Ngày 30/07/1966. Trận chung kết World Cup Anh - Đức, sân Wembley. Sau 90 phút, tỷ số là 2-2. Vào hiệp phụ, Hurst sút cực mạnh, bóng đập xà ngang, văng xuống đất, dội lại sân và bị phá ra ngoài. Lúc đầu, trọng tài G. Dienst (Thụy Sĩ) chỉ ra lá cờ ở chấm phạt góc, nhưng sau khi hội ý với trọng tài biên T. Bachramov (Liên Xô) ông lại chỉ tay lên điểm giao bóng ở giữa sân. Anh dẫn 3-2 rồi thắng 4-2. Đấy là bàn thắng mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn tranh cãi: vào hay chưa vào, kể cả khi đã sử dụng những kỹ thuật hiện đại.
Đến 35 năm sau, trong một ấn bản hồi ký, Hurst nói trái bóng vẫn chưa vào. Còn Beckenbauer nhớ lại: "Sau trận đấu, chúng tôi kiệt sức đến mức trong phòng thay đồ không ai còn đủ sức tranh cãi về bàn thắng ấy". Ngay lúc ấy thì không, nhưng về mãi sau này thì có. Một bàn thắng mà tranh cãi mãi không có lời kết được gọi là "Bàn thắng Wembley”.
Sau này Đức cũng "gỡ" được bàn thua này khi thắng Anh 4-1 ở vòng 1/16, World Cup 2010 tại Nam Phi. Lúc Đức dẫn 2-1, Lampard cũng sút cực mạnh, bóng cũng dội xà ngang và đập xuống đất. Lần này thì bóng rõ ràng đã nằm sau vạch vôi (cả thước), nhưng Neuer lại kịp móc ra. Trọng tài không thổi bàn thắng, nếu không Anh đã gỡ 2-2 và chưa ai lường được diễn tiến tiếp theo sẽ thế nào. Anh mất bàn thắng mười mươi cũng là một bổ sung thú vị cho nỗi oan trái trên vạch vôi cầu môn.
Hay như câu chuyện về "Những quả phạt đền". Ngày 04/07/1990. Bán kết World Cup, tỷ số vẫn là 1-1 sau 120 phút. Phạt đền luân lưu. Phía Đức, cả 4 cầu thủ đá vào: Brehmen, Matthaeus, Riedle và Thon. Phía Anh, Pearce không thắng được, Illgne và Waddle sút vọt xà. Chỉ 4 ngày sau, Đức thắng Argentina 1-0 vẫn bằng quả đá phạt đền của Brehme, và cầu thủ này nhận xét: "Trận thắng Anh là trận hay nhất giải của chúng tôi".
Lại 6 năm sau, EURO 1996, tổ chức tại Anh. Đức gặp Anh ở bán kết. Sân Wembley. Lại 1-1 sau 120 phút. Lần này, mỗi bên đều đá thành công 5 quả đầu tiên. Tới quả thứ 6: G.Southgate chịu thua trước Koepke, còn Moeller, vốn bị xem là "ẻo lả", đã sút tung lưới đối thủ. Đức thắng 6 -5. Cũng 4 ngày sau, Đức trở thành vô địch châu Âu. Nếu bạn để ý, thì bây giờ cả Southgate - HLV trưởng tuyển Anh lẫn Koepke - HLV thủ môn tuyển Đức đều vẫn đang có mặt.
Những quả phạt đền trở thành một câu chuyện đến mức ám ảnh.
Lại còn câu chuyện về "Những sự sinh thành". Trận Tứ kết EURO 1972 là trận đầu tiên Đức thắng Anh 3-1 ngay trên sân Wembley. Đấy là trận đấu mà G. Netzer đánh giá là tuyệt hay, hơn nữa, "Ngày hôm đó đã sinh thành đội tuyển Đức, đội vô địch Châu Âu 2 năm sau đó". Thậm chí, có người còn nói rằng, đây là đội Đức "hay nhất mọi thời đại".
Trận Đức - Anh 4-1 ở World Cup 2010 cũng là một trận sinh thành, sinh thành ra những cá nhân. Giám đốc đội tuyển O. Bierhoff nhận xét :"Một thành tích kỳ diệu của Jorgi". Đấy là lúc Loew được hoàn toàn khẳng định. Đồng thời, thế giới cũng biết đến tiền đạo T. Mueller, học trò của Gerd Mueller, với 2 bàn thắng liên tiếp trong hiệp 2. Lúc ấy Mueller mới vừa 20 tuổi. Liệu Loew, Mueller, và cả Neuer nữa, có giữ được phong độ trong trận đấu sắp tới?
Và cuối cùng, ta phải nói đến chuyện "sứt đầu mẻ trán". Ngày 01/09/2001. Vòng loại World Cup, SVĐ Olympic Muenchen. HLV tuyển Đức lúc này là R. Voeller. Sau khi dẫn trước 1 bàn, Đức bị thua đau đớn với tỷ số 1-5. Trong 5 bàn thắng này, M. Owen đã ghi 3 bàn và mặc sức "hành hạ" hậu vệ Đức Ch. Woerns. Sau trận, Woern nói gọn lỏn: "Bây giờ chỉ có một việc thôi: về nhà và đóng cửa lại". Còn Voeller phải lập tức đưa bố vào bệnh viện. Ông cụ chứng kiến đội bóng của con mình thê thảm quá nên đã lên cơn đau tim ngay trên khán đài.
Bây giờ, bóng đá đang viết nên những trang sử khác, những câu chuyện khác. Nhưng quá khứ đã khiến cho trận đấu Anh - Đức tới đây được đón chờ hơn lúc nào hết, với những cảm xúc thật khác biệt, và tất nhiên, với sự căng thẳng của những trận cầu quan trọng. Hy vọng cả cầu thủ lẫn khán giả được thưởng thức một trận bóng đá mãn nhãn, cùng chứng kiến và góp phần tô điểm thêm một thương hiệu bóng đá mang tính kinh điển của cả thế giới.
* Bài viết được đăng tải trên Xxsmienbac.com dưới sự đồng ý của nhà báo Vũ Công Lập.