Nguyễn Văn Đương và tấm vé Olympic dành tặng người thầy tận tụy
Thứ sáu, 23/07/2021 06:00 (GMT+7)
Với Nguyễn Văn Đương, HLV Nguyễn Anh Dũng không chỉ là người thầy. Ông là người răn dạy, nâng niu, bảo vệ để chàng trai người Bắc Giang có ngày đứng trên võ đài Olympic Tokyo như hôm nay.
Niềm đam mê với những bộ phim chưởng
Tháng 3/2020, Nguyễn Văn Đương tạo cơn địa chấn khi hạ đo ván tay đấm Thái Lan Chatchai Dutdee ở vòng loại Olympic Tokyo 2021. Cần phải biết, Chatchai đang là độc cô cầu bại ở đấu trường Đông Nam Á khi ấy. Chỉ hơn 3 tháng trước đó, Văn Đương còn thất bại một cách tâm phục khẩu phục trước Chatchai.
Tay đấm người Bắc Giang đã làm được điều những người mơ mộng nhất cũng không dám nghĩ tới. Chiến thắng ấy còn mang ý nghĩa hơn khi anh giúp quyền Anh Việt Nam trở lại đấu trường Olympic sau 33 năm. Đây còn là một tấm vé chính thức. Trước đó tại Olympic 1988, võ sỹ Đặng Hiếu Hiền chỉ dự giải theo suất đặc cách.
Được đánh giá rất cao trước thềm Olympic Tokyo 2021 nhưng khi trò chuyện với Xxsmienbac.com, chàng trai 25 tuổi lại bẽn lẽn bộc bạch: "Thực ra hồi nhỏ tôi mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá". Đương rất tự tin, nghĩ mình có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp bởi sở hữu năng khiếu chơi bóng hơn người.
Bên cạnh bóng đá, Đương có một đam mê khác là võ thuật. Với tuổi thơ của thế hệ 9x thời ấy, những bộ phim truyền hình Trung Quốc, đặc biệt là phim võ thuật, kiếm hiệp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó ngấm dần vào máu của Nguyễn Văn Đương, chàng trai với tính cách mạnh mẽ và chút ngông trong người.
“Hồi nhỏ, tôi có phần khác với những đứa trẻ khác trong xóm. Chúng thích chơi thả diều, đánh khăng nhưng mình lại bị cuốn hút bởi những bộ phim chưởng. Xem hết phim trên ti vi rồi thì tôi lại sưu tập băng đĩa để xem. Tôi đam mê đến nỗi dần dần bị 'ảo' võ. Nhưng tôi chỉ mê võ thôi chứ không mang nó ra để gây hấn ở trường lớp gì cả”, Đương cười mỉm.
Thế rồi cơ duyên đi theo nghiệp võ với Đương đã đến. Anh có một người anh họ học taekwondo trên Hà Nội. Người này dẫn Đương lên gặp thầy Nguyễn Anh Dũng để xin tập, và con đường đi theo võ thuật với Đương xuất phát từ đây.
Người thầy - người cha Nguyễn Anh Dũng
Đương kể, khi anh lên trung tâm của đội Công An Nhân Dân thì được sắp xếp tập luyện trong 3 tháng với các học viên khác. Ở đấy có 3 thầy là thầy trưởng bộ môn và hai thầy khác (trong đó có thầy Dũng) trực tiếp chỉ dẫn mấy đứa nhỏ tập luyện.
Năm ấy Đương 13 tuổi, nhỏ nhất trong đám trẻ. Hàng ngày anh phải đi học văn hóa buổi sáng và chỉ tập được được buổi chiều với toàn đội. Điều này có phần thiệt thòi nên Đương xin thầy tập thêm sau khi toàn đội đã nghỉ. Ngoài Đương thì còn một người chị nữa cũng tập thêm cùng.
Tuy nhiên, thời hạn 3 tháng chưa hết thì thầy trưởng bộ môn nói "thôi em về nhà đi". Cậu bị đánh giá là quá nhỏ, thể chất không đủ để theo bộ môn đầy tốc độ và sức mạnh như quyền Anh. Trong 3 thầy, chỉ có thầy Dũng năn nỉ xin cho Đương ở lại tập luyện. Nếu không có người thầy đứng ra bảo lãnh một cách chí công vô tư như thầy Dũng, quyền Anh Việt Nam hẳn sẽ không có một Nguyễn Văn Đương như hôm nay.
Sự miệt mài và cố gắng của Đương được đền đáp khi cậu vượt qua vòng tuyển chọn. Ở trung tâm, Đương là người nhỏ bé nhất và cũng nhỏ tuổi nhất. Cậu không được chọn đi thi đấu giải toàn quốc lứa tuổi U14. Một lần nữa, thầy Dũng ra tay. Ông đứng trước lãnh đạo và nói rằng “nếu Trung tâm không để nó đi thì tôi tự bỏ tiền cho nó đi”.
Đương đã đền đáp niềm tin từ người thầy bằng chức vô địch năm 2010. Hai năm sau, anh mang khí thế của nhà vô địch đến với giải U16 tuổi. Ai dè giải đấu năm ấy khép lại bằng một trận thua (đối thủ của Đương sau đó bị phát hiện gian lận tuổi). Thất bại khiến Đương mơ hồ, hoang mang vì thấy sự nghiệp mịt mờ phía trước.
Cảm thấy bản thân kém cỏi, Đương xin thầy Dũng trở về nhà. Thấy cậu học trò nhỏ nói thế, thầy Dũng chỉ bảo nhẹ nhàng: “Con cứ về nhà, tĩnh tâm rồi suy nghĩ lại”. Gắn bó với Đương, ông hiểu niềm đam mê của cậu lớn như thế nào. Mềm nắn rắn buông, cách xử sự nhẹ nhàng của thày Dũng đã thay đổi suy nghĩ của cậu học trò.
Một tuần sau, Đương xin nghỉ học ở quê nhà và khăn gói lên Hà Nội với thầy Dũng. Từ đây, hai thầy trò trải qua những năm tháng chinh chiến trên khắp mọi đấu trường.
Năm 2018, Đương rời đội tuyển Công An Nhân Dân, trong thời gian chưa tìm được hướng đi mới, thầy Dũng tiếp tục đưa người học trò của mình về tuyển Bắc Ninh, để hai thầy trò có thể tiếp tục đồng hành cùng nhau.
Tình cảm cứ lớn lên qua mỗi trận chiến. Trước giai đoạn 2018, Đương luôn thi đấu với sức ép tâm lý đè nặng. Một lần nữa, chỉ có thầy Dũng vực anh dậy mỗi khi anh định bỏ cuộc. Ở trận chiến không mấy hi vọng trước Chatchai, thầy Dũng cũng là người dành lời khuyên cho Đương trước ngày lên võ đài. Tin tưởng thầy, Đương làm theo và giành chiến thắng đầy bất ngờ.
Tấm vé dự Olympic 2021 có lẽ là sự trả ơn ngọt ngào nhất mà Đương dành cho người thầy tận tụy. Còn về phần HLV Nguyễn Anh Dũng, ông lại tiếp tục sự nghiệp của một người lái đò, phát hiện ra những tài năng trẻ và nâng tầm họ trở thành tuyển thủ quốc gia.