Ở nội dung 400m và 400m rào, Quách Thị Lan là một trong những VĐV hàng đầu châu Á. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến điền kinh Việt Nam không thể dự nhiều giải đấu để tích điểm, tuy nhiên cuối cùng Lan vẫn có vé tới Tokyo. Và dù có là suất đặc cách, điều này vẫn hoàn toàn xứng đáng với những mà nhà đương kim vô địch 400m rào ASIAD đã thể hiện trong thời gian qua.
- Xin chào Quách Thị Lan và cảm ơn chị đã dành thời gian cùng Xxsmienbac.com. Ngày dự thi Olympic Tokyo đã cận kề và đây có lẽ một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chị. Ngày biết tin được trao suất đặc cách tới Olympic, cảm xúc của chị ra sao?
Tôi rất bất ngờ khi biết tin có vé tới Tokyo vì nội dung của tôi không có giải đấu nào mình để tham dự được và đạt chuẩn Olympic. Mọi thứ đến rất bất ngờ.
Tôi được nhận tin từ thầy cô và các bác lãnh đạo. Trước đó mọi người cũng đã có một cuộc họp riêng để chọn ra một VĐV được giành vé đặc cách, với bản danh sách gồm nhiều cái tên. Và tôi rất vui khi mình là người được chọn.
- Lần đầu tiên được dự Olympic, lại là VĐV điền kinh duy nhất của đoàn thể thao Việt Nam tới Tokyo, điều này có khiến Quách Thị Lan gặp áp lực nào không? Đặc biệt chị còn tin tưởng giao nhiệm vụ cầm cờ (cùng với VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng) cho đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc?
Nói không có áp lực thì cũng không phải bởi có một chút hồi hộp khi lần đầu tiên mình được tham dự một giải đấu lớn như vậy. Tuy nhiên việc được cọ xát với những VĐV có thành tích rất tốt trên thế giới cũng là động lực để mình cố gắng nhiều hơn, học hỏi được nhiều.
Thời gian qua, tôi và mọi người đều không được ra ngoài Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia bởi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tất cả đều bị cấm trại. Tôi và thầy cô vẫn duy trì kế hoạch tập luyện hàng ngày, không thả lỏng bản thân. Mọi thứ đều theo kế hoạch của ban huấn luyện.
Còn về chuyện được chọn cầm cờ, thực sự bản thân mình háo hức lắm chứ. Đó là niềm vinh dự cuộc đời, niềm tự hào rất lớn với bản thân tôi. Tôi cũng không còn trẻ để cố gắng cho những kỳ Olympic sau. Bởi thế tôi rất mong đợi đến ngày đó để có thể bước ra sân cùng lá cờ tổ quốc.
- Theo tìm hiểu, ở nội dung 400m rào nữ cũng chỉ có 2 VĐV châu Á được dự Olympic Tokyo. Được đại diện không chỉ cho Việt Nam mà còn là cả châu lục mang tới cho chị cảm xúc thế nào?
Đây cũng là một niềm vinh dự, động lực cho bản thân mình. Thực ra tôi cũng thi đấu với tâm thế rất thoải mái vì mình không có áp lực về thành tích, chỉ là cố gắng thi đấu hết sức mình để giành về thành tích tốt nhất cho bản thân và đoàn thể thao Việt Nam.
- Thời gian qua chị cường độ tập luyện của chị là như thế nào và thành tích hiện tại có khiến chị và ban huấn luyện hài lòng không?
Trước khi sang Nhật Bản, tôi vẫn duy trì tập luyện hai buổi sáng chiều ở Trung tâm TDTT Nhổn với khối lượng và cường độ rất nặng. Thời tiết những ngày qua khá nắng nóng nên tôi thường tập muộn để có thể đảm bảo được kế hoạch và thành tích cá nhân.
Đến bây giờ thành tích của tôi tốt hơn so với tháng trước và khá ổn định. Tôi chạy mốc 100m trong 12,2 - 12,3 giây, 200m trong 23,3 - 23,4 giây, 300m khoảng 36,2 - 36,5 giây, còn 400m trong một buổi test tôi chạy trong 51,90 giây.
- Trước khi giành được những thành tích đáng nể như vô địch SEA Games, ASIAD và châu Á, Quách Thị Lan vẫn được nhắc đến với tư cách một VĐV tiềm năng nhưng tâm lý thi đấu chưa thật tốt, ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc. Theo chị, điều gì khiến chị gặp phải những khó khăn như vậy?
Tôi chạy hai nội dung 400m và 400m rào. Đây là những nội dung khó, cần có tất cả yếu tố nhanh, mạnh, bền. Bản thân tôi lại đi tập muộn và có thành tích sớm (lên tuyển sớm) nên chân cũng không được khỏe và ổn định lắm.
Chân tôi hơi yếu so với mọi người vì mình không có thời gian để tập bài bổ trợ về các nhóm cơ nhỏ nên tôi hay dính chấn thương nhiều về chân, chủ yếu là đầu gối bởi mình tập rào kỹ thuật không được tốt nên lúc tiếp đất, xuống rào không được ổn định, chân hay bị lệch nên đau.
Tôi đã nhiều lần dính chấn thương. Lần nặng nhất là tôi bị chấn thương gối ở SEA Games 2019, phải nghỉ khoảng 3 tháng. Đến lúc trở lại chỉ tập hơn chục ngày tôi lại phải đi thi đấu rồi nên thể lực và cơ thể mình chưa được ổn định lắm.
- Câu chuyện “đi tập muộn” của Lan là như thế nào? Và tại sao chị lại chọn gắn bó với điền kinh?
Từ bé tôi đã đam mê thể thao rồi. Xem TV thấy các anh chị thi đấu, mình cảm thấy thích lắm. Đi học tôi cũng có chiều cao, được các thầy cô tuyển đi thi các giải học sinh và cũng có một chút thành tích nên bắt đầu theo thể thao chuyên nghiệp.
Tôi bắt đầu đi tập từ đầu năm 2011 (16 tuổi) cùng ở quê nhà Thanh Hóa. Tôi đi tập trước anh Lịch (VĐV điền kinh Quách Công Lịch - PV) khoảng 2 tháng và sau đó có giới thiệu anh trai xuống tập cùng luôn. Thế là từ đó hai anh em đồng hành cùng nhau.
Nhà em chỉ có hai anh em thôi và cả hai đều theo thể thao nên bố mẹ rất ủng hộ. Nếu chỉ có một người đi thì khó khăn, còn hai anh em đi thì có thể bảo ban, chăm sóc nhau nên gia đình rất an tâm khi thấy con phấn theo con đường chuyên nghiệp.
Tập được 5 tháng thì tôi ra Từ Sơn, Bắc Ninh tập huấn và từ đó trở đi theo con đường thể theo chuyên nghiệp. Giữa năm 2011 tôi được vào tuyển trẻ và tới năm 2012 thì được gọi lên đội tuyển quốc gia luôn.
Tuy nhiên tôi đi tập như vậy vẫn là trễ.Thường 13,14 tuổi mọi người đã đi tập rồi, mà tôi đến tận năm 16 tuổi mới bắt đầu. Nhưng được cái là mình cũng có thể hình (cao 1m7 từ năm lớp 9) nên nhanh có thành tích hơn mọi người.
- Nhìn lại 10 năm theo điền kinh, đâu là dấu mốc đáng nhớ nhất với chị?
Kỷ niệm đẹp thì nhiều lắm. Được đi thi đấu nhiều giúp tôi quen biết với nhiều bạn bè, anh chị, cả bạn nước ngoài và trong nước. Bản thân mình cũng ngày càng được mọi người biết đến nhiều hơn.
Thực ra tôi cùng anh Lịch có cả may mắn và khó khăn trong quá trình tập luyện, thi đấu. Và thường tới SEA Games thì hai anh em thường không gặp may mắn. Bởi thế đến khi cả hai anh em giành được huy chương vàng SEA Games nội dung đồng đội thì lúc đó anh Lịch mới phá được dớp. Đó là lúc tôi thực sự rất vui mừng. Sự cống hiến, cố gắng của hai anh em đã được đền đáp.
Còn với cá nhân, dấu mốc đáng nhớ nhất với tôi chính là ASIAD 2018 tại Indonesia. Đó là lần tôi đạt được thành tích tốt nhất và giành được tấm huy chương vàng (trao bù sau khi VĐV người Bahrain dương tính với doping - PV). Sau bao nhiêu thời gian nỗ lực tập luyện, cuối cùng tôi đã đạt được kết quả tốt như vậy, không phụ lòng mong mỏi của các thầy cô và anh chị em bạn bè.
Sau giải đấu đó tôi được biết đến nhiều hơn, nhận được sự giúp đỡ từ các anh chị phón viên, người hâm mộ. Bản thân mình được tài trợ thêm nhiều thứ hỗ trợ cho việc tập luyện. Đó cũng là một sự động viên khiến bản thân mình rất vui.
Cùng với đó là cả những khoản tiền thưởng từ tỉnh, Tổng cục TDTT, giúp mình có thể gửi về cho bố mẹ để trang trải cuộc sống cũng như tích lũy cho tương lai.
- Với nhiều VĐV, họ thẳng thắn thừa nhận đi theo thể thao là con đường để thoát nghèo. Với bản thân Lan thì sao?
Thực ra tôi đi tập đầu tiên vì đam mê và sau đó là có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Với số tiền lương ít ỏi thì đến thời điểm hiện tại, mình cũng chưa thể trang trải được cuộc sống ổn định, nhưng trong quá trình tập luyện mình có thể kiếm thêm thu nhập từ các cuộc thi đấu để sau này đỡ vất vả hơn.
Tôi ước mơ sau này có thể giúp bố mẹ có được một cuộc sống an nhàn, không phải làm việc vất vả. Từ ngày tôi và anh Lịch theo con đường thi đấu chuyên nghiệp, cuộc sống của bố mẹ ở quê cũng ổn định hơn rất nhiều.
Tuy vậy chúng tôi vẫn cố gắng để kiếm thêm, vừa tập luyện vừa làm thêm những công việc ngoài để sau này giải nghệ cũng vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống.
- Điền kinh là đam mê nhưng ngày bé chị có ước mơ nào khác không?
Từ lớp 7 tôi đã học xa nhà và ước mơ sẽ trở thành một cô giáo, đi dạy học. Sau này tuy tập luyện thể thao chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn duy trì việc học tập, vào đại học. Chỉ cần học thêm bằng sư phạm, sau này tôi có thể đi dạy nên có thể nói bây giờ mình vẫn đang trên được thực hiện ước mơ làm cô giáo. (cười)
- Nhưng nếu được chọn lại, liệu chị có muốn đi một con đường khác?
Nếu bây giờ được chọn lại thì tôi vẫn chọn theo con đường thể thao thôi, bởi từ trước đến giờ mình vẫn có đam mê sẵn rồi. Dù biết thể thao là một lựa chọn mang đến nhiều khó khăn nhưng tôi và mọi người đã nhận được những niềm vui mà chỉ khi là vận động viên mới có được.
Trong đội chúng tôi cũng luôn đoàn kết. Có dịp gì mọi người đều ngồi lại với nhau, đi ăn uống, cùng trò chuyện, tâm sự với nhau, cùng đồng hành trên mọi nẻo đường.
- Sau Olympic sẽ là SEA Games 31 (hoãn sang năm 2022). Cá nhân chị có những dự định như thế nào cho sự nghiệp và cuộc sống riêng của mình?
Sau khi trở về từ Tokyo, tôi cũng có những giải đấu trong nước. Với tình hình dịch căng thẳng như thế này thì không biết là có tổ chức được hay không nhưng trước mắt mình cứ tập luyện bình thường với giáo án và kế hoạch được ban huấn luyện đề ra. Việc này cũng giúp bản thân mình duy trì thể trạng cho SEA Games năm sau.
Về chuyện cá nhân, bản thân tôi cũng có dự định rồi. Trong năm nay hoặc năm sau, khi nào dịch bệnh bớt căng thì tôi sẽ tính khi nào là phù hợp nhất để kết hôn, sao cho không ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện, thi đấu.
Người yêu tôi không phải vận động viên mà đang làm một công việc khác, tuy nhiên anh ấy vẫn luôn ủng hộ, động viên tôi trong quá trìn tập luyện, thi đấu. Lúc nào tập mệt quá anh đều an ủi, động viên tôi. Thực tình là bọn tôi yêu xa, không có thời gian dành cho nhau nhiều nên cũng thấy hơi tủi thân một chút. Nhưng không sao cả vì dần mình cũng quen.
- Cảm ơn chị và chúc chị sẽ có một giải đấu thành công trên đất Tokyo!