TUNTHETHAO365.ORG
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Tennis Tennis Việt Nam

Lý Hoàng Nam: Người viết nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam

Thứ tư, 04/05/2022 21:45 (GMT+7)

Trong tuổi đời non trẻ của môn quần vợt tại Việt Nam, Lý Hoàng Nam nhanh chóng ghi tên mình vào lịch sử ở tuổi 22, với tấm HCV SEA Games đầu tiên năm 2019.

Tấm HCV lịch sử của quần vợt Việt Nam

Quần vợt Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường khu vực kể từ những năm cuối của thế kỷ trước. Từ đó tới trước năm 2019, những Đỗ Minh Quân, Lê Quốc Khánh, Đài Trang hay Thùy Dung không thể một lần chạm tay vào tấm huy chương vàng SEA GAmes. Tấm huy chương bạc duy nhất của chúng ta đến từ năm 1997 của Ôn Tấn Lực và Nguyễn Thị Kim Trang, thế hệ còn 'xa xưa' hơn cả những Minh Quân hay Quốc Khánh.

Gần 20 năm kể từ ngày hội nhập, quần vợt Việt Nam vẫn gần như con số 0 trên đấu trường quốc tế. Còn tại SEA Games, ta chỉ có thể nhìn ngắm những tấm huy chương vàng từ xa, khi mà các tay vợt Thái Lan, Indonesia và Philippines tỏ ra quá mạnh với phần còn lại.

Nhưng mọi chuyện dần đổi khác.

Lý Hoàng Nam: Người viết nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam - Ảnh 1
Lý Hoàng Nam: Người viết nên lịch sử cho quần vợt Việt Nam - Ảnh VTP

Năm 2017 đánh dấu một thế hệ mới của quần vợt Việt Nam trên trường quốc tế, khi 2 tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam và Lê Hoàng Thiên góp mặt cùng các đàn anh ở SEA Games 29. Năm ấy, Nam và Thiên cũng chỉ có cho mình 1 tấm HCĐ, nhưng đã có dấu hiệu của sự tích cực ở tại đấu trường khu vực.

Cùng với Hoàng Nam và Hoàng Thiên, quần vợt Việt Nam có thêm những bước chuyển mình rõ rệt nhờ quá trình nhập tịch. Những tay vợt như Daniel Nguyễn, Savana Lý Nguyễn… nhanh chóng gia nhập giải quốc gia sau nhiều năm liền thi đấu ở các giải trong nước. Nhờ đó mà sức mạnh của ĐT quần vợt Việt Nam mạnh lên trông thấy.

Lý Hoàng Nam bước vào SEA Games 2019 với tư cách là ứng viên số 2 cho tấm huy chương vàng nội dung đơn nam, sau chính người đồng đội Daniel Cao Nguyễn. Cả 2 cùng nhau bước vào hành trình đi tìm tấm huy chương vàng đầu tiên cho quần vợt Việt Nam tại một kỳ SEA Games kể từ khi hội nhập.

Những đối thủ người Singapore, Philippines hay Thái Lan không đủ sức làm cản bước 2 ‘cỗ máy’ của quần vợt Việt Nam ở nội dung đơn nam. Thậm chí, trận bão lớn đổ bộ vào Manila cũng không khiến cả 2 chùn bước. Để rồi, Hoàng Nam đánh bại Daniel Cao Nguyễn với các tỷ số 6-2 và 6-4 để trở thành người viết nên lịch sử, dù ở các giải trong nước anh đều thua sút đối thủ.

Lý Hoàng Nam – Viết nên lịch sử nhờ tài năng và sự đầu tư đúng chỗ

Quần vợt Việt Nam đã có hơn 20 năm hình thành và phát triển cho đến khi Lý Hoàng Nam xuất hiện trên bản đồ của làng quần vợt, nhưng anh là thành quả của tài năng và những sự đầu tư mang tính bước ngoặt.

Trở lại thời của Đỗ Minh Quân, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Thùy Dung và Huỳnh Phương Đài Trang, làng quần vợt Việt Nam chỉ là một phong trào chưa được phát triển mạnh. Những tài năng trẻ không phải là ít, nhưng gần như không có ai dám đầu tư cho những cậu trai, bé gái chỉ mới vài tuổi theo đuổi bộ môn thể thao mà thời đó vẫn còn mang tính ‘quý tộc’.

Ngày ấy, các vận động viên luyện tập và thi đấu ở các CLB, trung tâm thể thao phụ thuộc vào ngân sách. Cơ sở vật chất không được khang trang, các vận động viên cũng không có nhiều giải đấu để cọ sát. Dần dần, họ chỉ ‘loanh quanh’ ở các giải trong nước, bị hạn chế rất nhiều về chuyên môn (thậm chí các giải trong nước cũng ít mời các tay vợt mạnh từ nước ngoài).

Lý Hoàng Nam thắng thần tốc đối thủ người Canada ở vòng 1 M15 Chiang Rai 4 - Ảnh 1
Lý Hoàng Nam là tay vợt Việt Nam hiếm hoi thi đấu ở nước ngoài - Ảnh: VPT

Lý Hoàng Nam thì khác. Anh sinh ra trong một gia đình không thực sự khá giả, nhưng đã phát huy tố chất khi chơi quần vợt với gia đình từ khi mới 6 tuổi. Đến năm 8 tuổi, anh đã được bố mẹ gửi gắm ở trung tâm đào tạo trẻ của đơn vị nổi bật nhất thời điểm đó. Đó là quyết định mà sau này cả bố và bản thân Nam đều thừa nhận là rất liều lĩnh, khi anh phải xa nhà còn người bố phải bỏ việc để đi theo con. Nhưng cũng chỉ 1 năm sau, tay vợt người Tây Ninh vô địch giải U10 toàn quốc. Đến khi vô địch quốc gia ở tuổi 15, Hoàng Nam thực sự trở thành ngôi sao.

Nhận thấy tiềm năng của Hoàng Nam, đơn vị chủ quản muốn anh phát triển hơn nữa nên tạo điều kiển để tay vợt sinh năm 1997 ra nước ngoài thi đấu. Đầu tiên, đó là một giải đáu ở Nhật Bản vào năm 2011, khi anh mới 14 tuổi. Đến năm 2015, tay vợt quê Tây Ninh dự Wimbledon trẻ ở nội dung đánh đôi và có được ngôi vô địch. Cho đến nay, Hoàng Nam gần như là tay vợt Việt Nam duy nhất đi thi đấu ở nước ngoài, trong khi những vận động viên khác vẫn chỉ luyện tập và thi đấu ở trong nước.

Lý Hoàng Nam đăng quang giải quần vợt nhà nghề Mexico thứ 2 liên tiếp - Ảnh 1
Lý Hoàng Nam vô địch giải M15 Mexico - Ảnh: VPT

Hoàng Nam cũng là thành quả của chính sách xã hội hóa. Ngoài các CLB, anh là vận động viên đầu tiên nhận được những dòng tài trợ để thi đấu trong và ngoài nước. Liên đoàn cũng hỗ trợ, tạo nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo cho các doanh nghiệp tư nhân cùng chung tay phát triển bộ môn thông qua các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất tại các địa phương trên cả nước hay hỗ trợ kinh phí cho đội tuyển quốc gia tham gia tập huấn, thi đấu quốc tế và tổ chức các giải đấu quốc nội. Ngoài Lý Hoàng Nam, cả Nguyễn Văn Phương, Trịnh Linh Giang cũng đang được đầu tư theo cách này và dần hái quả ngọt.

Những thành tích của Hoàng Nam là dấu mốc chói lọi của quần vợt Việt Nam. Anh vô địch Wimbledon trẻ 2015, vô địch Men Future 2016 (trước đó, các tay vợt Việt Nam chỉ vào tới vòng 2 là hết sức). Và đến năm 2019, Hoàng Nam giành tấm HCV SEA Games. Năm 2021, anh có thêm chức vô địch M15 tại Mexico.

Mục tiêu của Hoàng Nam không chỉ dừng ở tấm HCV SEA Games. Anh muốn vô địch Men Future M25 và Challenger, lọt vào top 100 thế giới trước tuổi 30… Đó là những thành tích mà nếu đạt được, Hoàng Nam sẽ đưa quần vợt Việt Nam lên tầm cao mới.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá