Hương vị của tự do
Thứ năm, 17/06/2021 17:47 (GMT+7)
Làm sao tránh được, cú sút phạt đền hỏng ăn ấy sẽ còn được nhắc lại nhiều, như một nỗi ám ảnh. Song, màn trình diễn trên những tầng mây kết tinh bằng hai đường chuyền “dọn cỗ” cho Aaron Ramsey và Connor Roberts trở thành những người hùng sẽ còn được nhớ tới nhiều hơn thế, bất kể Xứ Wales của Gareth Bale dừng bước ở chặng đường nào.
1. Có nhiều cách để chiến thắng, hay chí ít, để tận hưởng niềm vui khi được vào sân.
Nhưng có lẽ, điều đó sẽ dễ dàng được bắt gặp hơn ở bóng đá đường phố, nơi nối nhau từng thế hệ đã say đắm với trò chơi đó, khi không gian của nó chưa bị bóp nghẹt, lãnh địa của nó chưa bị xâm lăng, và tư duy của nó chưa bị bó buộc bởi bất cứ điều gì.
Ví dụ, trên mỗi con phố của Hà Nội cuối những năm 1980 – đầu những năm 1990, sau giờ tan ca, với những chồng cặp sách được xem là cột khung thành, và những quả bóng nhựa rẻ tiền luôn sẵn sàng tạo nên các quỹ đạo không tưởng.
Thường thì mỗi đội đều sẽ sở hữu một đứa khéo léo nhất, “dẻo” nhất, và những đứa khác sẽ cố gắng chuyền bóng cho nó. Song, đôi khi, có những đối thủ - quan tâm hơn và tìm hiểu kỹ hơn về Gentile 1982 hay hệ thống phòng ngự 1 kèm 1 – sẽ cố gắng vô hiệu hóa nó.
Nhưng cũng dễ thôi. Thường thì những “ngôi sao tấn công nhí” ấy lại chịu ảnh hưởng của Diego Maradona – người cũng xuất thân từ các con phố khu ổ chuột Buenos Aires, hoặc Marco Van Basten – một kiểu “số 9” toàn năng. Vậy nên, chúng sẽ ít khi tiếp tục loanh quanh ở gần “khung thành đội bạn”, mà sẽ cố gắng tạo nên niềm vui theo cách khác.
Cách mà Maradona, Platini, Roberto Baggio hay Van Basten thường lựa chọn: Nếu không thể ghi bàn, thì giúp đồng đội lập công. Như pha tỉa bóng sắc lẻm tựa đường kiếm tuốt trần, mở lối cho Buruchaga đâm ngã Tây Đức – đêm chung kết Mexico 86.
Bởi vì, chúng chẳng phải quàng vào tâm tưởng của mình bất cứ một thứ xiềng xích nào, từ những số đếm vô hồn – thứ đang khống chế gần như toàn bộ bóng đá hiện đại.
2. Gareth Bale sẽ rất khó có thể tham dự cuộc đua, hay chạm đến kỷ lục ghi bàn nào tại một vòng chung kết EURO. 5 năm trước, thực tế đã chứng minh điều đó rồi, cho dù khi ấy anh vẫn còn sở hữu tốc độ của một con tuấn mã đích thực, cũng như những khát vọng cá nhân cháy bỏng.
Và trận bán kết năm đó, anh có cố gắng đến thế nào cũng không thể hay hơn Cristiano Ronaldo (khi cả hai cùng chơi ở vị trí “Free role - Target Man” trên hàng tiền đạo) . Bởi vậy, Xứ Wales của anh cũng không thể làm gì hơn, trước Bồ Đào Nha.
Năm đó, chân kiến tạo số 1 của Xứ Wales là Aaron Ramsey (4 lần). Trong danh sách ấy, không có tên của Bale.
Và đêm qua, sau 5 năm thăng trầm, chúng ta thấy một Gareth Bale hoàn toàn khác. Một Gareth Bale biết rất rõ đồng đội của mình đang chạy đến vị trí nào, cũng như biết phải làm thế nào để công việc cuối cùng dành cho họ trở nên nhẹ nhàng nhất.
Thậm chí, anh thực hiện điều đó một cách tự nhiên như không cần suy nghĩ, không vướng bận một chút tâm tư nào, hoàn toàn tự do như đang chơi bóng trong một buổi tập. Phút 90+5, trong đợt công hãm cuối cùng, sau khi khiêu vũ với hàng phòng ngự Thổ Nhĩ Kỳ đang cuống quýt, anh vẫn không nghĩ đến chuyện để lại một dấu ấn nào cho riêng mình trên bảng tỷ số. Cho dù, chiếc lòng trong chân trái của anh hẳn vẫn có cơ hội làm nên chuyện ở góc tập kích đó. Cho dù, cũng sẽ chẳng ai trách móc gì anh, nếu cơ hội đó trôi qua.
Trách móc hay nuối tiếc, thì quả phạt đền không thành bàn cũng đã là đủ lắm rồi. Nhưng Bale vẫn tìm Roberts, để trao quyền đóng hẳn trận đấu lại.
3. Đó không chỉ là dấu ấn của sự trưởng thành, khi đã ở bên kia tuổi 30 – bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Đó còn là biểu hiện của tự do và thanh thản, của việc đặt tầm nhìn xa hơn và cao hơn hình ảnh chính mình trở thành người hùng, nhận mọi ánh hào quang, che mờ cả đối thủ lẫn đồng đội. Của việc mong muốn dìu cả một tập thể cùng bay cao.
Chính là vì lựa chọn ấy, bất chấp quả phạt đền hoang phí, Gareth Bale lại vẫn thấy mình đứng giữa spotlight, để có thể vẫn nở nụ cười mãn nguyện trong phòng họp báo.
Nói như Independent: “Quả phạt đền hỏng ăn của Bale đáng lẽ đã có thể đẩy Wales xuống vực thẳm, nhưng sự mẫu mực mà anh thể hiện dựng lên trước Thổ Nhĩ Kỳ cả một ngọn núi”.
Anh đã được tưởng thưởng xứng đáng, cho việc tự mình giải phóng chính mình khỏi một khuôn khổ chật hẹp của khái niệm “ngôi sao số 1”. Còn sút hỏng phạt đền ư? Từ Maradona tới Platini, qua Baggio đến cả Messi, ai mà chưa từng?