Hải Huy: Than Quảng Ninh đưa chúng tôi vào thế khó khi thòng điều khoản không được kiện CLB
Chủ nhật, 19/09/2021 11:50 (GMT+7)
Chia sẻ với Xxsmienbac.com, Hải Huy cho biết các cầu thủ Than Quảng Ninh đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đội bóng bắt ký cam kết không được kiện đội nếu muốn ra đi.
Cuối tháng 8, CLB Than Quảng Ninh đã tuyên bố dừng hoạt động khi đội không còn nhà tài trợ và không có tài chính để trả lương cầu thủ cũng như chi phí duy trì đội. Bên cạnh đó, các cầu thủ cũng được tạo điều kiện thanh lý hợp đồng để tìm đội bóng mới.
Tuy nhiên, các cầu thủ muốn nhận giấy thanh lý hợp đồng thì phải ký vào một cam kết là không kiện CLB trong trường hợp đội không thể trả nợ.
Xxsmienbac.com đã liên hệ với cầu thủ Nguyễn Hải Huy, cựu đội trưởng Than Quảng Ninh cho biết: “Tôi là người đầu tiên lên nói chuyện để nhận giấy thanh lý nên cũng biết những điều khoản trong cam kết đó. Cam kết này làm khó cho chúng tôi.
Tôi đọc trong cam kết nhận giấy thanh lý có điều khoản ấy, cũng biết họ làm khó cho mình và mình phải chịu thiệt rồi. Tôi có ngồi tranh luận bởi nếu có vấn đề gì xảy ra, chúng tôi tìm ai để giải quyết. Nhưng phía công ty hứa hẹn sẽ trả tiền. Bản thân tôi bây giờ cũng chỉ có thể đặt niềm tin vì mọi việc đã đi vào bế tắc. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhận giấy thanh lý sớm để sắp xếp chuyện tương lai”.
Trước đó, Hải Huy và các cầu thủ Than Quảng Ninh bị nợ 4 tháng lương của năm 2021 và các khoản lót tay, tiền thưởng từ cuối năm 2019 đến nay. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đã nhiều lần đệ đơn xin trả lại đội cho tỉnh do không thể gồng gánh nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.
Đến tháng 8 vừa qua, ông và công ty cổ phần Hà Giang của mình đã trả lại đội vì chuyện làm ăn khó khăn. Vấn đề ở đây là không thể tìm được đơn vị sẽ đứng ra chịu trách nhiệm thanh toán tiền nợ lương cho cầu thủ.
“Vừa qua, chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến luật sư. Tôi đã cung cấp hợp đồng lao động lẫn giấy thanh lý để luật sư xem xét. Phía luật sư nói rằng, CLB không có tài sản thể chấp nào cả. Người đứng đầu CLB không phải Chủ tịch Hùng hay của tỉnh.
Đây là một công ty (công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh - PV) thành lập để sở hữu đội bóng, không sở hữu tài sản nào để có thể thế chấp mà trả tiền cho cầu thủ. Nguồn tài chính chủ yếu do công ty của Chủ tịch Hùng chịu trách nhiệm đầu tư. Vì vậy, khi nguồn tài chính cạn thì công ty cũng không thể hoạt động được nữa.
Phía luật sư nói rằng các cầu thủ chỉ có thể chờ phía tỉnh xem xét ra sao. Nếu tỉnh nghĩ cho anh cầu thủ thì sẽ có tác động nào đó để tháo gỡ khó khăn cho cầu thủ. Còn nếu không, công ty sẽ tiến hành thủ tục phá sản, các cầu thủ không nhận đường đồng nào tiền nợ”, Hải Huy nói thêm.
Từ một đội bóng mạnh của V.League, Than Quảng Ninh đang đối diện nguy cơ phá sản và không thể tham dự mùa giải năm tới. Đây là điều đáng tiếc cho bóng đá Việt Nam. Bản thân các cầu thủ, họ cũng có một bài học sâu cay để bảo vệ quyền lợi của mình. Từ câu chuyện này, bóng đá Việt Nam cần có thêm quy chế hay tổ chức để bảo vệ giới cầu thủ, bởi họ là những người dễ tổn thương nhất từ các quyết định của các “chóp bu”.