Góc nhìn Robson Oliveira - Trần Ngọc Lượng: Khán giả Việt đã sẵn sàng cho những võ sĩ “lì đòn” trước truyền thông?
Thứ sáu, 11/08/2023 09:00 (GMT+7)
Khi Robson de Oliveira Soares chuẩn bị tái xuất tại LION Championship 08, thì chuyện lùm xùm về trận đấu giữa anh và Trần Ngọc Lượng hồi tháng 4 vừa qua cũng trở lại như một topic gây tranh cãi trong cộng đồng fan hâm mộ.
Trở lại tối 22/04/2023, đai đen Brazilian Jiu Jitsu (BJJ) Robson de Oliveira Soares và nhà vô địch Coco Championship Trần Ngọc Lượng đối đầu trong khuôn khổ sự kiện LION Championship 05. Trận đấu, dù không có knockout hay submission, vẫn có những diễn biến căng thẳng, những tình huống gay cấn hút mắt khán giả theo dõi.
Tuy nhiên, kết quả trận đấu này lại bị chỉ trích khá nặng nề, khi dư luận cho rằng nó không đánh giá chính xác câu chuyện thắng thua.
Dù Robson Oliveira thành công takedown Ngọc Lượng, cộng với thời lượng kiểm soát trận đấu cũng tốt hơn quá nhiều, các trọng tài vẫn phân xử cho Ngọc Lượng chiến thắng bằng tính điểm không đồng thuận, với số điểm từ bán giám định lần lượt là 29-28, 28-29 và 29-28.
Những diễn biến tiếp theo tiếp tục đẩy drama lên cao trào, khi Robson de Oliveira Soares thể hiện rõ thái độ bức xúc, bỏ về sớm, không nhận phần thưởng. Còn Ngọc Lượng phát biểu theo lối tự bảo vệ bản thân, rằng anh đã chiến đấu hết mình, đã cống hiến một trận đấu đẹp. Việc quyết định kết quả trận đấu không thuộc về anh, mà là của trọng tài.
Thế là bình luận từ người theo dõi sự kiện sôi lên sùng sục. Liên tục có những ý kiến chê bôi công tác chấm điểm của trọng tài, bênh vực võ sĩ người Brazil, hay cực đoan hơn là đòi Ngọc Lượng “tự biết muối mặt mà trả lại tiền thưởng”.
Robson de Oliveira Soares vs. Trần Ngọc Lượng, ai chính diện, ai phản diện?
Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) tiến hành họp ngay sau khi LION Championship 05 kết thúc. VMMAF đưa ra thông báo “đã có sai sót trong việc nhận định kết quả trận đấu”, nhưng khẳng định sai sót này không có tiêu cực, mà do trình độ chuyên môn và lỗi nhận định của cá nhân các trọng tài.
Ngoài ra, trận đấu giữa Robson de Oliveira Soares và Trần Ngọc Lượng cũng không bị hủy kết quả, vẫn ghi lại là một trận phân định bằng tính điểm không đồng thuận trên bảng thành tích quốc tế.
Lời công bố này là đủ rõ ràng cho một số khán giả, nhưng không thuyết phục được số khác. Người ta đã thừa nhận rằng điểm số “có những sai lệch đáng kể với diễn biến thực tế của trận đấu” kia mà, tại sao đã biết xử sai còn không hủy kết quả? Hay người ta thiên vị chủ nhà? Xử xong trọng tài, thì sao không xử luôn võ sĩ thắng cuộc, hay hơn thế là bắt bồi thường bên thua?
Vấn đề là, kể cả khi so sánh với các giải đấu khác trên thế giới đang sử dụng luật IMMAF, hay thậm chí là những giải đấu lớn trên thế giới như UFC, ONE Championship, với bộ luật MMA có khác biệt ở một số điểm nhất định; thì quyết định “không hủy kết quả trận Robson de Oliveira Soares vs. Trần Ngọc Lượng” của VMMAF không thể nói là sai lầm.
Các khái niệm “no contest” - một trận đấu không có kết quả, hay “disqualification” - truất quyền thi đấu - của MMA, về cơ bản đều thoát thai từ các khái niệm tương tự trong môn Quyền Anh.
Trong đó, “no contest” của MMA xảy ra khi một võ sĩ không thể tiếp tục do chấn thương vô ý, và thời gian trận đấu diễn ra chưa đủ để xác định người chiến thắng trên bảng điểm. Còn “disqualification” xảy ra khi một võ sĩ thực hiện lỗi cố ý, cố tình phạm luật nhiều lần, hoặc không nghe hiệu lệnh của trọng tài. Ở trường hợp xác định truất quyền thi đấu, võ sĩ phạm lỗi mặc định là người thua.
Xét theo những định nghĩa trên, trường hợp “oan sai do chấm điểm” của Robson de Oliveira Soares, mặc dù về sau đã được VMMAF chính danh, không hề phù hợp điều kiện để hủy bỏ kết quả. Tương tự, cũng không thể áp dụng “disqualification” để xử lý Ngọc Lượng, khi mà Ngọc Lượng không ra đòn lỗi, cũng chưa phạm luật trong trận đấu này.
Khán giả bao giờ mới chấp nhận những võ sĩ “lì đòn” trước truyền thông?
Hậu LION Championship 05, ngay phần bình luận bài viết thông báo quyết định của VMMAF, số lượng ý kiến muốn ban tổ chức đưa ra một lời giải thích rõ ràng hơn thì ít, mà số lượng comment “đòi lại công bằng” dùm Robson de Oliveira Soares thì áp đảo.
Chưa kể, giữa lúc luồng dư luận đang sôi sục để bênh vực võ sĩ người Brazil, phát ngôn “(Quyết định kết quả trận đấu) là bổn phận của trọng tài và ban giám định” mà Trần Ngọc Lượng nói với báo giới không khác gì thêm dầu vào lửa.
“Quan trọng là mình vẫn sống sót qua những đợt tấn công khi đứng ở vị trí bất lợi, không để đối thủ tấn công tạo sát thương. Đó là thành công của mình,” Ngọc Lượng nhận định.
Ai chà, chiến thắng nhưng không đúng tinh thần thượng võ thì chẳng để làm gì, người ta bảo vậy. Ngọc Lượng nói thế này trước truyền thông thì lì lợm quá, ngông quá, bạo gan quá. Chẳng có ban giám định chấm thiên vị, thì ai cho mà thắng? Bạn bè quốc tế người ta nhìn vào, lại xấu hổ thay!
Đây không hẳn là điều gì kỳ lạ, khi độc giả đọc thấy những bình luận tương tự ở các trận đấu khác thuộc phạm trù thể thao đối kháng. Tâm lý “thượng võ”, “công bình công chính”, “phải khiêm nhường, biết người biết ta” vẫn luôn là những nét rất đặc trưng của cộng đồng hâm mộ võ thuật, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả khu vực Đông Á nói chung.
Với xu hướng phản ứng khá kịch liệt của các fan đối kháng, không lạ rằng một khi dòng dư luận đã có chiều giận dữ; thì những lời chê bai, mạt sát, những bình luận kiểu “tôi thấy ngại cho hình ảnh đất nước” xuất hiện nhan nhản trong các chủ đề tranh luận, thay vì những góc nhìn có lý có cứ, thật sự đánh giá dựa trên diễn biến trận đấu.
Thêm vào đó, quan điểm võ biền “nhìn tay này chủ động đè lên đánh, tấn công nhiều, thế phải nhiều điểm hơn chứ” cũng khiến không ít người xem đưa ra những nhận xét thiếu tính chuẩn xác.
Trong trường hợp của Ngọc Lượng, cần một sự phân biệt rất rõ ràng rằng Robson de Oliveira Soares nên được chấm thắng nhờ những yếu tố như kỹ thuật tạo tình huống khóa siết, khả năng kiểm soát đối thủ từ bên trên, số lần takedown, số lần ra đòn hiệu quả,... thay vì cái nhận định “Robson đuổi Lượng chạy” đơn giản đến mức quá đáng. Nhìn ở một góc độ khác, những phân tích kỹ thuật sẽ luôn có giá trị của chúng, hơn là chỉ để bao biện thắng thua.
Nên chăng việc khán giả có thêm ý thức rằng họ đang xem một trận thi đấu thể thao, nơi có một bộ luật rõ ràng, nơi những quyết định liên quan đến trận đấu nên được đánh giá bằng luật thi đấu và điều lệ giải; thay vì đang xem một trận “lôi đài tỷ võ” giữa chốn giang hồ? Đây vẫn còn là một câu hỏi mở cho cộng đồng hâm mộ võ thuật trong tương lai.