Giải mã 'bí mật' giúp bóng đá nữ Mỹ thống trị thế giới
Thứ sáu, 28/07/2023 16:46 (GMT+7)
Hệ thống thể thao ở các trường đại học ở Mỹ giúp bóng đá nữ nước này nhiều năm thống trị thế giới.
Thể thao học đường: 'Kim chỉ nam' của bóng đá nữ Mỹ
Ở môn bóng đá nam, các cầu thủ thường được đào tạo trong các học viện. Vì thế, có những ‘thần đồng’ sớm được ra mắt ở các giải chuyên nghiệp ở tuổi 16, 17. Tuy nhiên, bóng đá nữ không như vậy. Số lượng những lò đào tạo bóng đá nữ trên thế giới thấp hơn rất nhiều bóng đá nam, và các cầu thủ nữ thường chỉ chơi bóng tự phát, hoặc chuyển từ môn thể thao khác sang thi đấu.
Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn khác ở Mỹ. Liên đoàn thể thao học đường quốc gia Mỹ (NCAA) chỉ ra thống kê ấn tượng: Trong 736 cầu thủ nữ dự World Cup 2023, có tới 137 người từng thi đấu ở các trường đại học của quốc gia này. Điều đó cho thấy đây là ‘nguồn cung’ các cầu thủ nữ lớn cho ĐT nữ Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Có 20/23 cầu thủ của ĐT nữ Mỹ trưởng thành từ các trường đại học. Alyssa Thompson, Trinity Rodman và Lindsey Horan là những cầu thủ của ĐT nữ Mỹ không tham dự vào các trận đấu kể trên. Tuy nhiên, Alyssa và Trinity có đá bóng cho các trường cấp 3 ở Mỹ, chỉ trừ Lindsey Horan là ‘dị biệt’.
Thế nhưng, ĐT nữ Mỹ không phải là đội bóng có nhiều cầu thủ trưởng thành từ các trường đại học ở Mỹ nhất kỳ World Cup này. Theo đó, ĐT nữ Canada có tới 22/23 cầu thủ đã và đang thi đấu ở các trường thuộc NCAA. Huyền thoại của họ, Christine Sinclair, từng khoác áo trường đại học Portland. Ngoài ra, các đội New Zealand, Australia, Philippines cũng sở hữu nhiều cầu thủ đã và đang thi đấu tại đây.
Chính chương trình thể thao học đường đã giúp ĐT nữ Mỹ ‘xưng hùng, xưng bá’ ở những kỳ World Cup đầu tiên. Họ áp đảo các đội còn lại tại World Cup 1991, 1999, và sau đó trở lại với 2 chức vô địch liên tiếp năm 2015 và 2019.
Sự phát triển của bóng đá nữ Mỹ bắt đầu được hình thành từ cách đây 50 năm. Chính phủ nước này đưa ra chính sách Title IX, yêu cầu sự công bằng trong việc cấp học bổng thể thao cho các VĐV nữ (so với các VĐV nam). Nhìn thấy lợi ích từ việc thi đấu thể thao, các cầu thủ không ngừng phát triển khi còn khoác áo các trường cấp ba, đại học. Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn có chương trình thu hút nhân tài ngoại quốc để gia nhập các trường đại học, cấp ba để thi đấu thể thao. Nhờ đó, lượng VĐV nữ của Mỹ đã tăng gấp 7 lần và giờ chiếm 44% trong số các VĐV trên toàn lãnh thổ.
Theo thống kê, vào năm 2021, có tổng cộng 1.464 du học sinh bóng đá nữ nước ngoài đang thi đấu ở các giải Hạng nhất và hạng 2 của nước Mỹ. Trong đó, có 128 cầu thủ Đức, 114 người Thụy Điển, 38 người New Zealand, 35 người Hà Lan… và nhiều quốc gia khác. Những cầu thủ này sau đó trở về nước và chia sẻ những gì được học cho các đồng đội, qua đó đưa nền bóng đá nữ thế giới phát triển chung.
Theo các chuyên gia, cho đến khi số lượng cầu thủ nữ trên toàn thế giới chạm đến con số hàng triệu, thì các chương trình thể thao học đường sẽ góp phần quan trọng nhất trong việc phát triển bóng đá nữ.
Bóng đá Mỹ mang thể lực, thể hình tới cho các cầu thủ nữ
Katrina Guillou là một trong những cầu thủ nổi bật của ĐT nữ Philippines tại World Cup 2023. Cô đã trải qua 4 năm tại trường North Carolina–Wilmington. Đối với chân sút này, đó là quãng thời gian vô cùng quan trọng.
“Chúng tôi thi đấu 2 trận mỗi tuần trong suốt 3 tháng. Điều đó khiến thể lực các cầu thủ tăng cao,” – Guillou cho biết. “Khi đạt tới đẳng cấp nhất định, chúng tôi có thể thi đấu ở mọi đội bóng và mọi môi trường.
Trong khi đó, tiền vệ ĐT Thụy Sĩ Coumba Sow cho biết: “Trước khi sang Mỹ, tôi là một cầu thủ kỹ thuật. Tới đây, tôi học cách thi đấu với sức mạnh, vì họ sử dụng rất nhiều bóng dài. Bạn phải tranh bóng, hoặc có cảm giác tốt ở bóng hai”.
Những điều đó cộng lại đã giúp cho ĐT nữ Mỹ vượt trội về mặt thể lực, thể hình và cả kỹ thuật so với các đội khác trên bình diện thế giới. Không ngạc nhiên khi Alex Morgan, Megan Rapione vẫn hoạt động vô cùng xông xáo ở tuổi 34, 37, sẵn sàng tranh chấp với các đàn em. Nhờ đó, bóng đá nữ Mỹ tiếp tục nằm trong nhóm 'thống trị' của thế giới trong hàng chục năm qua.