Tạm biệt, Jogi!
Thứ năm, 01/07/2021 14:57 (GMT+7)
Cuộc chia tay đã được lên kế hoạch từ trước. Không có bất ngờ. Sẽ là một trận đấu nào đó trong khuôn khổ EURO 2020. Nhưng chúng ta mong ước một lần giã biệt đẹp hơn thế. Chia tay bằng một trận đấu như vậy thì “thật buồn và thất vọng”, như lời Neuer chia sẻ. Vòng 1/8 là thời điểm quá sớm, sân Wembley là một địa điểm đẹp, nhưng từ nay nghĩ đến lại thấy chạnh lòng!
Đây là trận đấu mà Loew và các học trò đã có rất nhiều nỗ lực. Lòng quyết tâm thì có, tinh thần chiến đấu vẫn còn, nhưng tiếc rằng đã không tìm ra một giải pháp tích cực cho lối chơi.
Người ta bảo rằng, xem trận đấu cứ như dự hội thảo khoa học về chiến thuật bóng đá. Những đường bóng rất chậm, cứ như cố tình chậm để cử tọa hiểu rõ từng diễn biến trên sân. Xem, và cố đoán những bộ óc bóng đá đang nghĩ gì, chứ không phải nhìn thấy ánh lửa để cảm nhận được nhịp đập của những trái tim.
Có thể đoán được những tính toán cuối cùng của Loew với đội tuyển Đức. Lại cú tạt bổng vào từ cánh phải của Kimmich, nhưng lần này Gosens bị kẹp giữa hai hậu vệ Anh, khi anh nhảy lên thì đầu còn cách bóng tới hơn một mét. Nhưng ở trận này, Đức đã có tới 3 lần tấn công sắc bén ở trung lộ.
Lần thứ nhất, Goretzka thoát xuống, nhưng không kịp kết thúc mà chỉ kiếm được một quả phạt trực tiếp. Lần thứ hai, Werner tìm cách xỏ bóng giữa hai chân thủ môn đối phương nhưng không thành công. Lần thứ ba là một cơ hội mười mươi, thế mà Mueller sút trượt trong gang tấc.
Lúc ấy đã gần cuối trận đấu, và khi sức đã mỏi sau cú nước rút như vậy, kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng nhiều. Sau trận đấu, Mueller nói với Loew theo bản tính hài hước vốn có của anh: “Huấn luyện viên, nếu quả ấy tôi đá vào, thì có lẽ nó cũng chẳng làm hại chúng ta đâu nhỉ!”.
Ai cũng biết rằng, chân lý của bóng đá luôn nằm trên sân cỏ. Chấp nhận trận thua đầu tiên của tuyển Đức trên sân Wembley, Loew thẳng thắn: “Tôi nhận mọi trách nhiệm về tôi”. Hoàn toàn và tuyệt đối. Không có “giá như” hay “nếu mà” gì hết, và “Trận thua Anh hôm nay là một trận quan trọng. Nhưng nó cũng chỉ là một trong số không biết bao nhiêu trận đấu khác. 15 năm, là một quãng thời gian dài không tưởng”.
Chúng ta cũng vậy. Hôm nay, chúng ta bị dằn vặt bời trận thua 0-2. Nhưng sau này, với chúng ta, câu chuyện chính vẫn là câu chuyện 15 năm, từ năm 2006 đến năm 2021.
Trong suốt 15 năm ấy, Loew đặc biệt thành công trong giai đoạn 2010-2017. Mặc dù ông khẳng định một nền văn hóa bóng đá mới được đưa vào Đức từ năm 2008. Lẽ đương nhiên, ngay trong thời gian nở hoa ấy, không phải tất cả chỉ là màu hồng. Đáng kể nhất là hai trận thua vòng bán kết ở EURO 2012 và EURO 2016. Loew là một trong 4 HLV Đức mang về danh hiệu vô địch thế giới, vào năm 2014. Nhưng điều còn đáng ghi nhận hơn, là trong khoảng thời gian này, Loew đã thành công trong việc xây dựng cho đội tuyển Đức một lối chơi mới, không chỉ dựa trên truyền thống “xe tăng”, mà còn đứng vững bằng bóng đá sáng tạo.
Vào phút chia tay, ông nói: “Tôi có cảm giác hài lòng vô cùng, khi luôn đem lại cho người hâm mộ sự phấn khích, lòng say mê với bóng đá, độc lập với kết quả trong các giải đấu”. Nên nói thêm rằng, lối đá ấy phù hợp với hình ảnh một nước Đức thân thiện, cởi mở, khoan dung, bên cạnh khái niệm quen thuộc về nước Đức mạnh mẽ và kỷ luật.
Khởi đầu từ những ý tưởng Klinsmann, Loew và Bierhoff đã kiên trì cùng nhau trải qua cả chặng đường hết sức gian nan. Nhất là sau trận thua Ý năm 2012, chiến lược mới cho bóng đá Đức đã thực sự bị nghi ngờ. Nhưng rồi họ đã cùng nhau vượt qua mà Cup vô địch thế giới năm 2014 là lời khẳng định được lịch sử ghi nhận.
Sau thắng lợi ấy, báo chí Đức nói đến một “mô hình quản trị” mới trong bóng đá và cả xã hội Đức. Một mô hình không còn là hình tháp dựa trên quan niệm trên dưới, mà là các quan hệ kết nối theo kiểu mạng, trong đó vai trò của nút trong mạng được xác định bởi khả năng và tầm quan trọng của kết nối. Ví dụ điển hình nhất trong giai đoạn này là thủ quân đội tuyển P. Lahm. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói bóng đá Đức đã trải qua một cuộc cách mạng.
Chúng ta không chỉ nghĩ về Loew như một HLV bóng đá. Ông là người đại diện cho một kỷ nguyên trong toàn bộ lịch sử bóng đá Đức. Trong cuộc họp báo, từ được Loew sử dụng nhiều nhất là từ “Cảm ơn”. Ông cảm ơn thời gian, ông cảm ơn mỗi một trong số rất nhiều con người mà ông từng gặp gỡ. Ông nói: “Có lẽ trong ít năm nữa, sẽ chẳng phải là quan trọng lắm, khi ta để thua nhiều thêm hay ít hơn một trận đấu. Cái quyết định là con đường mà chúng ta đã cùng đi với cầu thủ và mọi người trong ban huấn luyện, là tình bạn và tình thân ái rồi sẽ vượt qua thời gian”.
Cũng trong cuộc họp báo này, Loew đã rất tự chủ và không để ứa ra một giọt nước mắt nào. Nhưng vẫn có thể nhận ra nỗi buồn của ông. Nỗi buồn, sự tiếc nuối mà chúng ta rất chia sẻ. Ông nhớ về những khoảnh khắc, những hình ảnh mà ông lưu giữ mãi trong tim. Ông nhớ tới rất nhiều cuộc nói chuyện bên bể bơi, hay bên những ly cà phê. Ông kết luận “Có vô số những thời điểm như vậy, không bao giờ quên được!”. Và đương nhiên, chúng ta cũng sẽ không quên ông. Có nhiều điều mà chúng ta cũng sẽ nhớ mãi.
Và chúng ta tiếc cho ông. Dù đã khẳng định, trong bóng đá không có “giá như” hay “nếu mà”, chúng ta vẫn muốn nói, “giá như” Loew ra đi từ năm 2018 thì có lẽ đã tốt hơn cho cả ông lẫn bóng đá Đức. Bớt cho ông một số lời chỉ trích, và đỡ cho bóng đá Đức một vài năm mò mẫm, gian nan. Vấn đề là, tại sao sau thất bại thảm hại tại World Cup 2018, Loew vẫn chưa chịu từ chức?
Có thể tin rằng, Loew không đến nỗi phạm phải lỗi “tham quyền cố vị”. Có “quyền” gì to lớn ở đây đâu mà phải “tham”, phải “cố”! Nhưng ông có niềm tin rằng, ông còn có khả năng giúp đội tuyển Đức xây dựng một lối đá mới để rồi lại giành thắng lợi. Ông đã quyết định loại bỏ một số cầu thủ cũ, chủ chốt và gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Ông đã chuyển phòng ngự 4 người thành 3 người.
Nhưng khi ông phải gọi cả Hummels lẫn Mueller trở lại, khi ông mãi loay hoay mà không sử dụng được cả Gnabry, Sane và Werner một cách hiệu quả, khi ông vẫn cứ vướng mắc với những đường chuyền ngay ở tuyến tiền vệ, thì dù có cố gắng, có ra sức động viên, thì lối chơi của tuyển Đức cũng chỉ có thể như vậy. Thua 7 bàn trong 4 trận. Cũng trong 4 trận ấy thì có 2 trận không tìm được đường vào khung thành đối phương. Đấy là minh chứng để nói rằng những nỗ lực cuối cùng của Loew với đội tuyển đã thất bại. Loew lưu lại một công trường, để cho H. Flick tiếp tục dựng xây.
Đội bóng để lỡ những cơ hội trên sân, và Loew cũng đã bỏ lỡ một thời điểm trong sự nghiệp. Buông bỏ đúng lúc cũng là một bài học, không chỉ cho Loew, mà còn cho tất cả mọi người.
Neuer, thủ quân đội tuyển Đức nói rằng, ngay sau tiếng còi mãn cuộc, từ khung thành anh nhìn về khoảng giữa sân, nơi Loew đang đứng. Điều quan trọng nhất anh muốn nói: “Loew là một con người tuyệt vời!”. Còn Mueller, mệt mỏi và kiệt sức, đến ôm lấy ông Thầy của mình. Và trong lúc ấy, đối với cả hai, trận đấu vừa qua cũng đã chẳng còn quan trọng nữa!