ĐT Việt Nam đang nhớ Hùng Dũng?
Thứ năm, 14/10/2021 15:00 (GMT+7)
Đoàn quân của HLV Park Hang Seo dường như đang thiếu đi sự năng nổ và quyết liệt ở tuyến giữa, nơi vắng bóng Hùng Dũng trong vòng 6 tháng qua.
ĐT Việt Nam đã toàn thua cả 4 trận đã qua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Nếu như chúng ta nhận thất bại trước Saudi Arabia và Australia là điều khó có thể tránh khỏi, thì việc mất điểm trước Trung Quốc và Oman lại là điều đáng tiếc. Những chiến binh sao vàng đã có những màn trình diễn tương đối ấn tượng trong một số thời điểm của trận đấu.
Trong cả 4 lần ra sân ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam luôn nằm ở thế cửa dưới. Chúng ta cầm bóng ít hơn ở 3/4 trận đấu, trong đó ở trận gặp Saudi Arabia chỉ kiểm soát 28% thời lượng bóng lăn ở trên sân. Điều đó phần nào cho thấy sức ép mà hàng thủ của ĐT Việt Nam phải nhận là vô cùng lớn.
Dù sự chênh lệch về mặt đẳng cấp là điều đã được thấy khá rõ ở các cuộc đối đầu, người hâm mộ luôn tự hỏi, liệu ĐT Việt Nam có thi thể thi đấu tốt hơn khi có đủ những con bài tốt nhất ở trên sân, mà cụ thể ở đây là tuyến giữa với Đỗ Hùng Dũng?
Tiền vệ sinh năm 1993 là một trong những cầu thủ không quá nổi bật ở kỹ thuật hay khả năng qua người. Tuy nhiên, Hùng Dũng từ lâu đã là trụ cột của CLB Hà Nội và ĐTQG Việt Nam.
Kể từ ngày đá cặp với Moses ở CLB Hà Nội tới việc được triệu tập lên tuyển Olympic Việt Nam dự ASIAD 2018 rồi tới sau này là SEA Games 2019, Hùng Dũng luôn là cầu thủ được đá chính trong sơ đồ của HLV Park Hang Seo. Anh có những đặc điểm mà nhiều tiền vệ khác mà ĐT Việt Nam không có: đó là sức chiến đấu và sự bền bỉ.
Ở ĐT Việt Nam hiện nay không có nhiều tiền vệ có thể thi đấu một cách toàn diện như Hùng Dũng. Nếu như Quang Hải, Hoàng Đức là những cầu thủ thiên về sáng tạo và khả năng tạo đột biến thì Xuân Trường, Tuấn Anh tuy là nhóm cầu thủ đá thấp nhưng khả năng tranh chấp tay đôi lại không thiên về sức mạnh. Trong khi đó, Đức Huy lại là người thiếu những phẩm chất của bóng đá hiện đại như thoát pressing hay dâng cao tạo áp lực với đối phương.
Hùng Dũng là cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam có thể làm được tất cả những điều đó ở mức khá – giỏi. Nền tảng thể lực giúp tiền vệ sinh năm 1993 thi đấu rất bền bỉ ở trên sân, sẵn sàng đeo bám hoặc đưa ra những pha đi bóng đường dài. Ngoài ra, anh là một trong những mẫu tiền vệ có thể xuất hiện ở mọi điểm nóng ở trên sân để tạo lợi thế quân số khi tranh chấp.
Dù không phải là người có thể hình quá tốt nhưng thể lực giúp Hùng Dũng rất dai sức, hoàn toàn có thể tranh chấp ở khu vực giữa sân hoặc ít nhất là tạo áp lực không cho đối thủ có thể thoải mái đưa ra những đường chuyền phối hợp. Đây là điều mà cả Quang Hải, Hoàng Đức và Văn Đức đều không làm được dù được xếp ở cùng vị trí.
Như Phan Văn Đức thi đấu ở trận gặp Australia có tham gia 2 pha tranh chấp thì thua cả 2, để mất bóng 12 lần, không thực hiện bất cứ động tác phòng ngự nào (xoạc bóng, cản bóng hay phá bóng). Anh cũng không qua người thành công lần nào và chỉ có 19 lần chạm bóng xuyên suốt 63 phút thi đấu trên sân.
Hoàng Đức làm tốt hơn Văn Đức ở khâu phòng ngự và cả tấn công, nhưng anh cũng không phải mẫu cầu thủ quyết liệt trong tranh bóng. Tuấn Anh có nhiều pha chặn bóng rất ‘nghệ sĩ’ nhưng dường như tiền vệ này không chủ động trong tranh chấp. Còn Quang Hải gần như không có đóng góp phòng ngự nào đáng kể dù đá cánh ở sơ đồ 5-4-1 hay đá tự do trong sơ đồ 5-3-2.
Một điều đáng chú ý là ngoài Quang Hải, và Hoàng Đức gần như không có tiền vệ nào được thi đấu trọn vẹn 90 phút. Tuấn Anh thường rời sân ở phút 45 hoặc 60 của trận đấu, tương tự là Phan Văn Đức. Như vậy, thể lực và thể trạng của các tiền vệ ĐT Việt Nam là không đủ để đáp ứng cả trận. Trong khi đó, Hùng Dũng rất ít khi bị thay ra giữa chừng trong các trận đấu mà anh ra sân ngay từ đầu.
Dù có Hùng Dũng hay không, ĐT Việt Nam vẫn phải đối mặt với những cầu thủ đẳng cấp hơn hẳn ở mọi vị trí trong các trận đấu thuộc vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng nếu chúng ta có sự phục vụ của tiền vệ hay nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại, chắc chắn HLV Park Hang Seo sẽ bớt đau đầu hơn trong việc điều chỉnh chiến thuật ở tuyến giữa, nơi ông ưu tiên từ 2-3 sự thay người trong mỗi trận đấu.