Đội tuyển Ý: Bóng đá không phải cuộc chiến
Thứ năm, 17/06/2021 11:39 (GMT+7)
Cái đẹp là trung tâm trong văn hóa của nước Ý, nhưng đấy chưa bao giờ là mục đích của họ trong một trận bóng đá. Qua hai trận đấu, Roberto Mancini và các cầu thủ của ông đã cho thấy một cách tiếp cận khác.
Bóng đá là toan tính và bạo lực
Vào tuần thứ ba của tháng Sáu hàng năm, cũng vào thời gian này nếu không có dịch Covid-19, tại quảng trường Santa Croce ở Florence, thị trưởng và người dân cùng nín thở chờ đợi một sự kiện đặc biệt: hai trận calcio storico (bóng đá cổ đại), một trò chơi có từ thế kỷ 16, sẽ diễn ra. Hai đội thắng sẽ chơi trận chung kết diễn ra vào ngày 24/6 hàng năm, ngày lễ Thánh Giiovanni, vị Thánh bảo trợ của Florence.
Đấy được xem như là phiên bản tái sinh của Harpastrum, một trò chơi tương tự ‘bóng bầu dục’ đẫm máu thời La Mã cổ đại. Theo những thông tin ít ỏi còn sót lại, thì có khán giả đã từng bị gãy chân chỉ vì “nhỡ” rơi vào giữa trận đấu, khi nó được chơi ở Hy Lạp cổ đại. Năm 1574, vua Henry III của Pháp đã thử chơi một trận, và sau này ghi lại cảm nhận rằng môn này “quy mô quá nhỏ để trở thành một trận chiến thực sự và quá tàn khốc để trở thành một trò chơi”.
Phiên bản hiện đại dường như giữ lại nguyên vẹn tính chất bạo lực của trò chơi: trong một trận đấu và tháng 6, một trong những đội ở địa phương lân cận đã thuê một võ sĩ MMA chuyên nghiệp từ vương quốc Anh. Anh này đã chiến đấu thực sự cho đến khi người bê bết máu, loạng choạng trên sân như thể sắp ngất.
Không chỉ tại Florence, môn thể thao đẫm máu được tổ chức công khai dường như nói lên tất cả ý nghĩa của một trận đấu thể thao bất kỳ ở Ý: đấy không chỉ là một cuộc chơi. Đấy là một cuộc chiến.
Trong nhiều năm, bóng đá Ý vận hành với tinh thần này, ở cấp độ CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Các trận đấu ở Serie A thường bị chỉ trích vì các cầu thủ dành nhiều thời gian để câu giờ, gây sức ép lên trọng tài, và vận dụng tiểu xảo. Ở cấp đội tuyển, Ý đã có tất cả các danh hiệu cần có từ World Cup đến EURO, và bản sắc nổi lên trong những chiến quả này là tính kỷ luật, sự ranh mãnh, và tất nhiên là cả bạo lực.
Năm 2006, kỳ World Cup gần nhất Ý đăng quang, Marco Materazzi đã cho siêu sao Zidane của Pháp “đi tắm sớm” ở trận chung kết, bằng một trò khiêu khích. Trên thực tế, trong tiếng Ý không có cụm từ tương đương của “Fair Play” (chơi đẹp), mà họ thường phải mượn luôn tiếng Anh. Các trận bóng đá kiểu Ý, trên một khía cạnh nào đó, luôn có sự khốc liệt và tàn nhẫn.Tại World Cup 1982, Claudio Gentile đã dùng mọi tiểu xảo tàn nhẫn bậc nhất để theo kèm Diego Maradona, và xé áo Zico. Năm 1994, Mauro Tassotti giật cùi chỏ vỡ mũi Luis Enrique mà không ai phát hiện ra, cho đến khi băng hình ghi lại cho được động tác kín này được thực hiện “khéo” như thế nào.
Gianni Brera, nhà báo thể thao vĩ đại người Ý, thậm chí từng cho rằng Ý quá yếu để có thể chơi tấn công, cho nên hãy tập trung vào phòng ngự và phản công. Ý niệm này đi sâu vào hệ thống bóng đá của đất nước, và trở thành một thứ tư tưởng: trước thềm World Cup 2016, Christian Vieri, một trong những chân sút vĩ đại Ý từng sản sinh, nhắc lại khẩu quyết này trong bài phỏng vấn với tờ The Times: “Không nhất thiết phải chơi đẹp để giành chiến thắng”.
Từ những năm 1950, khi bóng đá còn sơ khai, các CLB Ý cũng đã phát triển một hệ thống huấn luyện phức tập và các quy tắc, luật lệ liên quan đến hành vi của cầu thủ, để gia tăng tỉ lệ chiến thắng. Tiền đạo trứ danh người Anh Jimmy Greaves đã phát hiện ra điều này khi đến AC Milan vào đầu những năm 1960: anh được phát cho một thời gian biểu hàng ngày, bao gồm cả giờ đi ngủ. Anh chỉ chơi ở Ý vỏn vẹn được 10 trận.
Một ý niệm khác
Trong nhiều năm, dù có trong tay các cầu thủ tấn công siêu hạng, rất ít HLV Ý dám thay đổi cách tiếp cận truyền thống của nền bóng đá này, thứ tinh thần đã ăn vào gốc rễ từ tất cả các thực thể tham gia vào nó. Từ những cầu thủ tấn công hạng nhất, cho đến các “bô lão”. Những danh hiệu mà Ý giành được trong lịch sử củng cố thêm sự đúng đắn của cách tiếp cận này: bóng đá phải là một cuộc chiến, với kỷ luật và toan tính cần thiết để có thể thắng.
Mọi chuyện đã thay đổi. Năm ngày trước, vì sức khỏe yếu, Luigi Riva không thể đến sân Olimpico ở Rome, nơi Italy của ông và các đồng đội Dino Zoff, Sandro Mazzola và Pietro Anastasi đã giành chức vô địch EURO hơn nửa thế kỷ trước, sau trận chung kết với Nam Tư. Trước đó, ông đã hết lời khen ngợi Roberto Mancini và cuộc cách mạng ở tuyển Ý của ông: “Trước đây, chúng tôi chơi một trận đấu dựa trên phản công nhiều hơn. Bây giờ, đấy là thứ bóng đá giàu tính tập thể hơn và các cầu thủ tấn công có nhiều đất dụng võ hơn”.
Từ tháng Ba, Alberto Polverosi, một ký giả nổi tiếng của tờ Il Corriere dello Sport, cũng viết: “Ý đang mang đến cho chúng ta thứ bóng đá đẹp nhất. Chúng ta đã bị các câu lạc bộ của mình lừa phỉnh (ngụ ý việc Ý không còn ai ở Champions League khi ấy), nhưng Mancini đã tạo ra một đội hình thực sự, với thương hiệu bóng đá mạnh và những ý tưởng rõ ràng. Tới giờ, triều đại của Mancini đã cho thấy một đội tuyển Ý chơi bóng để giành chiến thắng, theo phong cách kỹ thuật và thông minh”.
Đội tuyển Ý của Mancini là một chiến thắng không đơn thuần của chiến thuật, mà là tinh thần dũng cảm: họ dám xem bóng đá như một cuộc chơi. Các cầu thủ được giải phóng khỏi thứ tư duy chiến thắng nặng nề của quá khứ, nơi mà sân cỏ hóa thành đấu trường và các cầu thủ bị tước đi quyền tận hưởng trò chơi. Trong định kiến ấy, các cầu thủ nhìn 90 phút như một gánh nặng thuần túy của những nhà thể thao chuyên nghiệp có nghĩa vụ phải mang thắng lợi về cho đám đông.
Qua hai trận tưng bừng, các nhà bình luận cũng bày tỏ lo ngại rằng những chiến thắng trái truyền thống kiểu này có thể khiến Ý bị loại sớm. Đấy là một suy luận có lý: các cầu thủ Ý không còn ưu tiên rình rập sơ hở của người khác nữa, mà chính họ giờ lại trở thành đối tượng bị mổ xẻ và khắc chế.
Nhưng đấy là tính hai mặt của lựa chọn. Chỉ là sau nhiều năm, đã có những người Ý cảm thấy cần phải làm khác đi. Sau nhiều năm, các cầu thủ và HLV muốn được chơi bóng, và môn thể thao phải đặt bớt các đòi hỏi khắc nghiệt của nó xuống, để ưu tiên cho những cầu thủ được tận hưởng đam mê của trò chơi này hơn.
Trong tiếng Ý, một bàn thắng không phải được ghi (score), mà được “tạo tác” (l’autore del gol). Đêm qua, khi cho trí tưởng tượng bay bổng với bàn thắng thứ hai, một cú sút làm bàng hoàng đối thủ, Manuel Locatelli có lẽ tận hưởng bóng đá với tư cách một người chơi, hơn là một mắt xích trong ngành công nghiệp tỷ đô, nơi các cầu thủ bị lùa ra sân nhiều đến mức chai sạn, và quên mất rằng phía trước họ, cho đến tận cùng, vốn chỉ là một trò chơi.