xem trực tiếp cầu lông hôm nay xem trực tiếp cầu lông hôm nay
EURO 2024 Nhật ký Euro

Đôi chân bỏ lại

Chủ nhật, 20/06/2021 20:40 (GMT+7)

Ngành cảnh sát Đức đã không biết rằng họ vô tình góp công vào chiến thắng của đội tuyển quốc gia trước Bồ Đào Nha. Và tất nhiên không dừng ở đó, công lao này có lẽ sẽ còn lớn hơn nữa nếu Đức chinh phục chức vô địch Euro và World Cup. Họ đã làm gì? Họ từ chối nguyện vọng làm sĩ quan cảnh sát của một thanh niên vì cậu ấy có đôi chân mang tật. Đôi chân của Robin Gosens.

Phía đông bắc Milan có một thành phố nhỏ xinh đẹp với dân số chỉ khoảng hơn 120 ngàn người. Giống như nhiều nơi trên khắp nước Ý, vẻ đẹp của những quán cafe lớn nhỏ là một nét văn hóa của Bergamo. Rất thường xuyên, trong vô vàn địa điểm người ta có thể thưởng thức những ngụm Espresso kinh điển ở nơi đây, có người thanh niên đã luôn trung thành chọn một cái quán yêu thích để đến sau những buổi tập ở CLB bóng đá anh đang khoác áo. Chàng thanh niên thường cầm theo một cuốn sách và ngồi đọc ở đó cả giờ đồng hồ mà không bị ai quấy rầy.

Thế rồi hai năm trôi qua, cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Bây giờ chàng trai ấy đã không thể ngồi yên nhâm nhi tách cà phê và đọc sách nữa vì sẽ có hàng chục lượt người hâm mộ nhận ra, xin chụp ảnh và chữ ký của anh khi CLB Atalanta lần đầu vào tới vòng chung kết Champions League. Chàng thanh niên nói anh cũng thấy vui vì điều đó vì vị trí bên hành lang trái của mình đã góp công vào sự thành công của đội bóng và rằng mình không còn vô danh. Nhưng sự yên tĩnh của việc uống Espresso và đọc sách thì không còn nữa, anh nói từ giờ mình sẽ chỉ đọc ở nhà. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà chàng thanh niên vạm vỡ ấy kể lại cho báo chí khi được hỏi cuộc sống của mình đã thay đổi thế nào.

Đôi chân bỏ lại - Ảnh 1

Chàng cầu thủ ấy không phải người Ý, vì anh đến từ nơi khác, cách Bergamo vài giờ bay: nước Cộng hòa liên bang Đức. Thế nhưng cũng chỉ mới nửa năm trước, người dân Đức cũng mới biết đến cái tên Robin Gosens. 18 tuổi mới thi đấu chuyên nghiệp, trước đó, Gosens chỉ coi bóng đá là một sở thích cá nhân. Anh chưa từng học trong bất kỳ trung tâm đào tạo trẻ nào như những đồng đội khác và có lẽ điều khác biệt chính là ở đây: Gosens là cầu thủ Đức hiếm hoi còn sót lại đá bóng với niềm hăng say, tình yêu với trái bóng tròn vì ADN nghiệp dư vẫn chảy trong mình.

Từ World Cup 2006, Đức đã cho thấy hệ thống đào tạo trẻ của họ đã làm thay da đổi thịt nền bóng đá và kéo đến thành công của chức vô địch thế giới năm 2014. Các cầu thủ được huấn luyện bài bản trong môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật từ khi còn nhỏ để lớn lên được “lắp ráp” hoàn thiện vào một cỗ máy bóng đá vận hành trơn tru, khoa học, chính xác đến từng tích tắc. 

Hãy nhìn một trụ cột như Toni Kroos và khả năng hoạt động như một máy đếm nhịp lạnh lùng, tàn nhẫn, vô cảm. Không đại diện cho cả đội bóng nhưng Kroos chính là hình ảnh tiêu biểu mà thế giới mường tượng, hay thậm chí là khát quát về bóng đá Đức, tinh thần Đức. Nhưng Gosens thì khác, một nửa trong anh vẫn là tình yêu bóng đá hết sức đơn thuần của một chàng trai trẻ, khác với “nhà máy” sản xuất tài năng kiểu Đức.

Đôi chân bỏ lại - Ảnh 2

Năm 17 tuổi, Gosens xin thử việc ở Dortmund sau khi bị từ chối ở học viện cảnh sát và tiếp tục nhận được cái lắc đầu. Làm cảnh sát không được, đá bóng cũng không xong, Gosens xin làm nhân viên đổ xăng và chỉ còn duy trì sở thích với bóng đá vào buổi tối. Nên màn trình diễn mà người hâm mộ thế giới được chiêm ngưỡng từ “Cầu thủ xuất sắc nhất trận” trong chiến thắng của Đức trước Bồ Đào Nha là câu trả lời của chàng trai ở trạm xăng năm nào.

Gosens vẫn còn tình yêu chân thành với quả bóng tròn, nên anh tận hưởng nó theo cách rất khác với những người đồng đội. Con đường từ việc được gọi lên đội tuyển quốc cho đến trở thành cá nhân xuất sắc nhất trong màn đại thắng trước đội bóng có một siêu sao từng từ chối đổi áo đấu với anh là một sự tình cờ của số phận.

Năm xưa nếu được nhận, có thể nước Đức đã có thêm một sĩ quan cảnh sát giỏi, bất chấp đôi chân có tật của anh nhưng đội tuyển Đức thì sẽ không có được một nhân cách rất khác biệt. Cảm xúc chơi bóng từ đôi chân bị bỏ lại ấy đã xốc nách tinh thần Đức vực dậy sau một pha kiến tạo hoàn hảo.

Đôi chân bỏ lại - Ảnh 3

Dưới ánh đèn pha sáng rực trên sân vận động Etihad với sức chứa 55 ngàn khán giả, “ngựa ô” Atalanta làm khách trước Manchester City của Pep Guardiola. Gosens bước ra sân thầm nghĩ: “Thật điên rồ. Robin, mày đang làm cái gì ở đây?”.

Hai năm đã qua, Gosens không còn thấy ngợp nữa sau những màn cọ sát trước các ngôi sao ở đấu trường quốc tế. Anh cũng không còn cần đổi áo với thần tượng của mình nữa, dù lần này rất có thể người ấy sẽ đồng ý. Lúc này, chắc Gosens đã tự trả lời được câu hỏi ngày đó. “Robin, giờ mày đang kiến tạo, ghi bàn và trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trận ở đây”, chắc Gosens đã nghĩ thế.

Đôi chân bỏ lại - Ảnh 4

Gosens đã làm sống dậy câu chuyện về ước mơ, dù đây cũng là một kiểu khái quát hơi giáo điều và viển vông ở xã hội hiện đại. Thế nhưng trẻ em yêu bóng đá trên khắp thế giới có thể nhìn vào đó và nuôi dưỡng khát khao với trái bóng, dù xuất thân và khởi đầu thế nào. Và dù xác suất để có một Gosens là không nhiều, nhưng nó vẫn tồn tại, dành cho những ai mang tình yêu chân thành với khao khát ấy. Những lãnh đạo trong ngành cảnh sát có thể từ chối Gosens, nhưng khung thành của những trận cầu đỉnh cao – nơi anh được mang vinh dự mang tính dân tộc cho đội tuyển quốc gia, thì không.

Đôi chân bỏ lại - Ảnh 5