Cựu bác sĩ đội tuyển Việt Nam: 'Văn Hậu gặp phải 2 trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất của chấn thương đầu gối'
Thứ hai, 13/09/2021 19:29 (GMT+7)
Hậu vệ Đoàn Văn Hậu sẽ phải phẫu thuật lần thứ 2 để điều trị vấn đề ở dây chằng và sụn chêm. Chia sẻ với Xxsmienbac.com, cựu bác sĩ đội tuyển Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thủy, đã phân tích về đặc điểm của 2 dạng chấn thương nói trên.
Theo thông tin mà CLB Hà Nội vừa công bố, nhóm chuyên gia y tế về cơ – xương được đội bóng thủ đô mời về mà người đứng đứng đầu là bác sĩ Kim Kwang Joe, đã phát hiện những diễn biến mới về tình trạng chấn thương của Đoàn Văn Hậu sau thời gian theo dõi khi cầu thủ này trở về từ tuyển quốc gia.
Hậu vệ người Thái Bình cần phải lên bàn mổ lần thứ 2 để điều trị dứt điểm chấn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối. Nhiều khả năng Văn Hậu sẽ được đưa sang phẫu thuật ở Hàn Quốc.
Chia sẻ với Xxsmienbac.com, cựu bác sĩ đội tuyển Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thủy, đã có những phân tích chi tiết về đặc điểm và mối liên quan giữa 2 dạng chấn thương nói trên.
“Khớp gối được cấu tạo bởi 4 thành phần chính là xương, gân cơ, dây chằng và sụn. Sụn lại gồm sụn chêm và sụn khớp. Riêng về sụn chêm thì lại chia thành sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Sụn chêm có tác dụng là vùng đệm giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Sụn chêm lành lặn thì 2 bên chân cân bằng về độ cao, độ dày và có 3 tác dụng chính. Một là giữ vững khớp gối. Hai là giúp khớp gối linh hoạt, gấp duỗi được tốt hơn. Thứ 3 là giảm xung khi chúng ta chạy nhảy, đi lại.
Nếu vì một lý do nào đó mà sụn chêm bị chấn thương một bên thì bên đó sẽ mỏng hơn. Lực từ trên đùi và cẳng chân sẽ dồn hết vào phần bị tổn thương. Dạng chấn thương này có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. Trên thế giới không có cách nào chữa lành được tổn thương sụn chêm hoàn toàn. Ngay cả mức độ tổn thương thấp nhất cũng sẽ không thể hồi phục 100%.
Chấn thương này dẫn đến nhiều hệ lụy. Nó khiến khớp gối bị lệch trục. Khi đã lệch trục rồi thì nhiều bộ phận khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đầu tiên là chính ở khớp gối đó, sau đó đến khớp gối bên kia. Khi một bên đau thì bên kia sẽ chịu lực nhiều hơn và rồi cũng sẽ đau nốt. Lệch trục còn ảnh hưởng đến cả cơ và xương vùng lưng.
Dây chằng thì có tác dụng cố định quỹ đạo của khớp gối. Hai dây chằng chéo trước và sau đặc biệt quan trọng. Dây chằng chéo trước có tác dụng không cho cẳng chân đi ra phía trước quá mức, dây chằng chéo sau thì có tác dụng ngược lại. Nếu một trong 2 dây chằng bị hỏng, khớp gối trượt ra trước sau ngoài quỹ đạo sẽ càng làm cho sụn chêm hỏng nhanh hơn rất nhiều.
Các tổn thương dây chằng chéo, sụn chêm và dây chằng trong hoặc ngoài gọi là ‘Tam chứng bất hạnh’ đối với khớp gối. Nếu không gặp vấn đề ở dây chằng trong ngoài thì 2 vấn đề còn lại cũng đã rất kinh khủng. Đặc biệt trong bóng đá, cầu thủ thay đổi hướng di chuyển, xoay vặn khớp gối liên tục, tác động mạnh lên cả trên dưới lên vùng sụn chêm bị tổn thương thì càng nhanh hỏng.
Việc phẫu thuật chỉ có tác dụng khâu vá những chỗ đã sứt mẻ, kết hợp tiêm thêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp tổn thương lành lại, đỡ đau hơn. Nhưng sụn chêm mỏng thì vẫn mỏng, cơ thể vẫn lệch trục. Vấn đề này sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để. Nhất là khi còn có thêm tổn thương về dây chằng.”, bác sĩ Thủy phân tích.