xem trực tiếp cầu lông hôm nay

Cử tạ Olympic: Vì sao Việt Nam và các nước châu Á thống trị hạng cân nhẹ?

Chủ nhật, 25/07/2021 06:05 (GMT+7)

Ở các hạng cân nhẹ của môn Cử tạ, những vận động viên đến từ châu Á luôn cho thấy sự thống trị khi giành hầu hết ở các bộ huy chương Olympic cũng như thế giới.

Chứng kiến những cuộc tranh tài của môn Cử tạ tại các giải thế giới và Olympic, người ta không lạ lẫm gì việc chứng kiến sự thống trị của các vận động viên đến từ châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Dù cho châu Âu và các nước khu vực Tây Á đều đầu tư rất mạnh nhưng các nước phía Đông châu Á lại tỏ ra vượt trội ở phần đa các hạng cân nhẹ của môn Cử tạ.

Cử tạ Olympic: Vì sao các nước châu Á thống trị hạng cân nhẹ? - Ảnh 1
Các VĐV châu Á rất mạnh ở môn Cử tạ (Ảnh: Yuri Cortez/Getty)

Triều Tiên là quốc gia số 1 ở môn này. Tiếp sau đó có thể kể đến là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia. Tại Olympic Tokyo, các nước trên đều có vận động viên tiềm năng gặt hái tấm huy chương vàng.

Điều này liên quan rất lớn đến vấn đề thể trạng và di truyền học. Theo lý giải của Giám đốc quản lý phong độ Đội tuyển Cử tạ Anh, Tommy Yule thì các vận động viên ở khu vực này đạt được thể hình lý tưởng cho một vận động viên cử tạ hằng mong muốn.

>>> Lịch thi đấu Cử tạ Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021 hôm nay

“Tay ngắn, lưng dài và chân ngắn - đối lập với hình dạng cơ thể mà bạn mong muốn ở vận động viên chạy nước rút hay ném đĩa. Các VĐV Trung Quốc và Triều Tiên có kích thước cơ thể lý tưởng đến mức vượt trội”.

Vận động viên Om Yun Chol là một ví dụ điển hình cho sự lý tưởng về hình thể của người châu Á. Tại giải thế giới 2014 và Olympic 2012, anh đã lập kỷ lục thế giới khi nâng trọng lượng tạ gấp ba lần cơ thể.

Cũng ở hai giải đấu này, các hạng cân nhỏ chiếm phần lớn trong số 12 huy chương vàng của Triều Tiên ở giải vô địch thế giới năm 2014. Bên cạnh đó, Triều Tiên giành 3 tấm huy chương vàng tại Olympic 2012.

Cử tạ Olympic: Vì sao các nước châu Á thống trị hạng cân nhẹ? - Ảnh 2
Om Yun Chol (Ảnh: Yuri Cortez/Getty)

Trung Quốc cũng vươn mình ở môn này. Họ có 9 huy chương vàng ở giải vô địch thế giới 2014, 3 huy chương ở Olympic 2012. Hay Việt Nam cũng luôn coi Cử tạ là môn thế mạnh tranh chấp huy chương ở các kỳ Olympic. Hoàng Anh Tuấn giành huy chương bạc Olympic 2008, Trần Lê Quốc Toàn giành huy chương đồng Olympic 2012.

Bên cạnh đó, phương pháp tập luyện cũng có sự khác biệt. Theo như đô cử Zoe Smith người Anh cho biết, các đô cử châu Á mà đặc biệt là Triều Tiên dành rất nhiều thời gian tập luyện. Họ cống hiến gần như toàn bộ thời gian để nâng cao thành tích. 

Trong khi đó, các vận động viên châu Âu không muốn hi sinh quá nhiều tự do cá nhân để ở trong các khu tập luyện tập trung. Các HLV ở Đông Âu còn nhận những nhận xét rằng họ áp dụng chế độ tập quá hà khắc. Còn các đô cử châu Á thoải mái hơn, có quy trình và luôn làm việc theo tính tập thể.