TUNTHETHAO365.ORG
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Võ thuật Boxing

Boxing tay trần có nguy hiểm hơn Boxing nhà nghề?

Thứ tư, 03/11/2021 18:21 (GMT+7)

Nổi tiếng là tàn bạo, máu me, nhưng liệu Boxing tay trần có nguy hiểm hơn Boxing nhà nghề?

Boxing tay trần xuất hiện tại Anh vào thế kỷ 17 và rất được ưa chuộng bởi công chúng. Đến thế kỷ 19, chính phủ Anh bắt đầu nhận thức được sự tàn bạo và nguy hiểm của nó, họ ban hành luật phải đeo găng để thi đấu với hy vọng giảm bớt độ máu me trên sàn đài.

Tuy nhiên, thời đó sự nguy hiểm của Boxing chỉ được nhìn nhận bằng định tính. Mãi đến tận sau này, khi khoa học phát triển, con người mới thực sự đo đạc và nghiên cứu được mức độ nguy hiểm của hai thể loại Boxing này lên cơ thể võ sĩ.

Boxing tay trần có nguy hiểm hơn Boxing nhà nghề? - Ảnh 1
Các võ sĩ Boxing tay trần thường xuống đài với các chằng chịt vết rách trên mặt (Ảnh Youtube)

Với Boxing tay trần, các chấn thương phần mềm như rách da, sưng mắt, sưng trán, tụ máu gần như lúc nào cũng xảy ra trong các trận đấu, chính vì vậy mà Boxing tay trần bị gán cho cái mác tàn bạo và phi thể thao. 

Các chấn thương dạng này gây nên bởi lực xuyên phá của cú đấm. Khi võ sĩ tung đấm, các khớp tay góc cạnh sẽ tác động sâu vào da mặt của đối thủ gây nên các vết rách và sưng.

Còn đối với Boxing nhà nghề, thứ tiếp xúc vào mặt võ sĩ không phải là các khớp tay mà là đôi găng, với tiết diện lớn hơn. Cũng là một lực như nhau, nhưng khi tiếp xúc, lực đấm khi có găng tay sẽ phân tán đều trên mặt võ sĩ nên hạn chế được lực xuyên phá.

Hãy tưởng tượng có một cây kim và một cuộn chỉ, cả hai thứ cùng đâm vào da nhưng sẽ chỉ có cây kim xuyên vào thịt, còn cuộn chỉ lại không thể. Bởi vì cây kim có tiết diện nhỏ hơn nên sẽ xuyên phá mạnh hơn, còn cuộn chỉ có tiết diện rộng nên an toàn hơn.

Tuy nhiên, đừng vì vậy mà vội đánh giá Boxing nhà nghề ít nguy hiểm hơn Boxing tay trần - những chấn thương trên mới chỉ là chấn thương phần mềm. Có một loại chấn thương khác, đó là gãy mũi, vỡ xương gò má, vỡ khớp tay, vỡ xương trán, vỡ cằm,... hay còn gọi là các chấn thương phần cứng.

Các chấn thương dạng này thường gặp ở cả hai thể loại Boxing. Nhưng có một chấn thương đặc biệt rất hay gặp phải ở Boxing nhà nghề, đó chính là chấn thương cổ tay.

Khi tung đấm vào đối thủ, võ sĩ Quyền Anh nhà nghề chịu một phản lực dội lại tác động lên toàn bộ cổ tay và các khớp. Nhưng do có găng tay bảo vệ nên võ sĩ sẽ không cảm thấy đau, cộng với việc khó bị KO nên trận đấu kéo dài lâu hơn. 

Khi võ sĩ không bị đau tay, họ sẽ tung đấm nhiều hơn, đồng nghĩa với việc võ sĩ sẽ nhận phản lực vào tay nhiều hơn, gây nên chấn thương cổ tay và ổ khớp.

Boxing tay trần có nguy hiểm hơn Boxing nhà nghề? - Ảnh 2
Để hạn chế chấn thương cổ tay, luật Boxing tay trần bắt buộc võ sĩ quấn phải băng tay (Ảnh Instagram)

“Đôi găng bảo vệ bàn tay, cơ thể và khuôn mặt rất tốt, nhưng chúng làm tăng lực đánh và điều đó cho phép bạn tung nhiều cú đấm hơn”, Tristan Carter – cây viết Boxing uy tín của mạng xã hội Quora chia sẻ.

Trái lại, trên sàn Quyền Anh tay trần, nơi không có găng bảo vệ, các võ sĩ sẽ cố gắng tung nhiều đòn nhất có thể. Nhịp độ của các trận Boxing tay trần rất vồ vập. Họ phải kết thúc trận đấu sớm trước khi tay của họ trở nên đau đớn và ngại tung đòn. 

Về bản chất, tăng tốc nhịp độ trận đấu cũng là để chiến thắng và tránh chấn thương cổ tay. 

Sự vồ vập đó dẫn đến một hệ quả, đó là khi các võ sĩ tấn công không chính xác, họ bắt đầu tụt thể lực và đau tay.

Lúc này chỉ có hai lựa chọn, hoặc là ôm đòn chịu trận đến khi thua, hoặc dồn hết sức lực còn lại để knockout đối thủ nhanh nhất có thể. Khi tấn công nhiều hơn, họ cũng sơ hở nhiều hơn, điều đó khiến trận đấu nhanh chóng khép lại, không sớm thì muộn một trong hai võ sĩ sẽ bị knockout.

Ở các giải đấu Quyền Anh tay trần, khán giả sẽ thấy nhiều cú knockdown và knockout hơn so với Boxing nhà nghề. Theo luật Boxing tay trần, mỗi trận đấu chỉ có 5 hiệp, mỗi hiệp 2 phút. Điều này bắt buộc võ sĩ phải sử dụng chiến thuật tấn công nhiều thay vì cứ ôm đầu phòng thủ. 

Luật lệ đó đã khiến một trận đấu Boxing tay trần luôn kết thúc sớm và các võ sĩ cũng hạn chế được chấn thương cổ tay.

Boxing tay trần có nguy hiểm hơn Boxing nhà nghề? - Ảnh 4
Hai võ sĩ sẽ cố gắng kết thúc trận đấu trước khi họ tụt thể lực và gặp chấn thương (Ảnh MMA Fighting)

Các chấn thương đó vẫn còn chưa phải là mối nguy hiểm nhất đối với võ sĩ. Có một thứ còn nặng nề và để lại nhiều tác hại hơn cả vỡ trán, gãy tay,… đó là chấn thương não.

Những cú đấm có găng tay bảo vệ gây tổn thương đến não nhiều hơn không có găng tay. Theo một nghiên cứu của Đại học Washington, khi một người đấm lên bao cát với găng tay sẽ tạo ra chuyển động nhiều hơn 27,9% so với khi không đeo găng tay. Điều đó cho thấy khi đấm vào đầu, não sẽ bị rung lắc và tổn thương nhiều hơn khi võ sĩ mang găng tay.

Cũng không quá ngạc nhiên khi Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ công bố thống kê rằng: có gần 90% võ sĩ Quyền Anh bị tổn thương não ở mức độ nào đó trong suốt sự nghiệp sàn đài. Điều đó tăng nguy cơ gây nên các bệnh thần kinh trung ương như Parkinson hay Alzheimer’s khi về già.

Một ví dụ điển hình đó là huyền thoại Quyền Anh nhà nghề Muhammad Ali. Ông từng có dấu hiệu nói ngọng và nói lắp trong vài năm, trước khi ông được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson ở tuổi 42.

Căn bệnh quái ác đã khiến tượng đài của làng Quyền Anh phải sống những năm cuối đời với các cơn run, cứng còng tứ chi. Những ngày tháng cuối đời, biến chứng của bệnh làm ông không thể nói và vận động được, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào người khác.

Boxing tay trần có nguy hiểm hơn Boxing nhà nghề? - Ảnh 3
Huyền thoại Quyền Anh nhà nghề Muhammad Ali mắc hội chứng Parkinson khi mới 42 tuổi (Ảnh Boxingnews24)

Câu hỏi Quyền Anh tay trần có nguy hiểm hơn Quyền Anh nhà nghề không là một câu hỏi phức tạp. Về mặt trực quan, có thể thấy rằng Quyền Anh tay trần có thể nguy hiểm hơn. Tuy nhiên về lâu dài, Quyền Anh nhà nghề lại đem đến nhiều tác hại hơn cho võ sĩ.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá