TUNTHETHAO365.ORG
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng chuyền Bóng chuyền Việt Nam

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 3 - Quy chế chuyển nhượng vận động viên đã lỗi thời

Thứ năm, 10/03/2022 16:20 (GMT+7)

Mùa giải bóng chuyền VĐQG năm 2022 trở thành mùa giải đáng nhớ với bóng chuyền Việt Nam sau đúng 10 năm cấm cửa ngoại binh.

Tin vui đối với các đội bóng chuyền tham dự giải Hạng A và giải VĐQG năm 2022 khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam quyết định mở cửa đối với ngoại binh sau tròn 1 thập kỷ đóng cửa chơi với nhau. Đây được coi là quyết định quan trọng được chờ đợi nhiều năm của không ít đội bóng bởi hiện tại tìm kiếm nguồn VĐV tại nước nhà là khá khan hiếm và không mấy chất lượng.

Nguyên nhân này từ đâu và tại sao bóng chuyền nước nhà lại khan hiếm nguồn VĐV chất lượng cao? Câu hỏi giúp chúng ta có một cái nhìn thực tế về đào tạo VĐV cũng như chuyển nhượng trong suốt quãng thời gian dài bóng chuyền Việt Nam nói không với ngoại binh. Trong những năm qua, các đội bóng Việt chỉ “đóng cửa chơi với nhau” như lời của ông bầu Đào Hữu Huyền - Hóa chất Đức Giang Hà Nội từng nói trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7 vừa qua.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 3 - Quy chế chuyển nhượng vận động viên đã lỗi thời - Ảnh 2
HLV Nguyễn Hữu Hà trước đây từng vướng vào kiện tụng với CLB Tràng An Ninh Bình (ảnh: Cuonqpv)

Trong những mùa giải đó, việc chuyển nhượng VĐV và HLV bóng chuyền gây nên nhiều vụ việc đáng tiếc khiến những người làm bóng chuyền, khán giả và ngay cả những người không thường xuyên quan tâm đến cũng thấy ngỡ ngàng. Nhiều vụ việc đi vào ngõ cụt và không ít trong số đó khiến dư luận dậy sóng. Điển hình như vụ chuyển nhượng đầy rắc rối của chủ công Nguyễn Hữu Hà, Nguyễn Văn Hạnh hay Lê Quang Khánh. Bên nội dung nữ, những Đinh Thị Thúy hay mới nhất là 4 cô trò Kim Huệ của Ngân hàng Công thương là ví dụ điển hình.

Năm 2010, quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam được ban hành. Suốt quãng thời gian hơn một thập kỷ qua, chúng ta vẫn đang chuyển nhượng VĐV, HLV dựa trên những quy định đó. Trong bản quy chế chuyền nhượng VĐV bóng chuyền “khá sơ sài” đó có nhiều thứ hiện nay không còn phù hợp nếu như chúng ta xác định xây dựng bóng chuyền Việt Nam trở thành giải đấu mang tính chuyên nghiệp. Có thể nói rằng hiện nay, nhiều quy định đã không còn phù hợp khi tốc độ phát triển của bóng chuyền đã đi trước những bản quy chế cũ.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 3 - Quy chế chuyển nhượng vận động viên đã lỗi thời - Ảnh 1
Đinh Thị Thúy (16) cũng phải ngồi chơi xơi nước mất 1 vòng trước khi được thi đấu cho Kinh Bắc Bắc Ninh năm 2019

Phát biểu trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7 vừa qua, ông Đào Hữu Huyền cho biết: “Nhiều cơ quan đài báo nói chúng tôi đi giành giật VĐV nhưng đối với Hóa chất Đức Giang Hà Nội thì chúng tôi luôn làm đúng luật, tuân theo quy chế chuyển nhượng. Tất nhiên khi mời VĐV về đội thì chúng tôi phải cho VĐV biết được thứ họ cần. Việc chuyển nhượng sẽ giúp tăng giá trị của VĐV bóng chuyền Việt Nam, đấy là những tài năng của Việt Nam nên họ cần đãi ngộ xứng đáng”.

Ngược lại vụ lùm xùm mới nhất của 4 cô trò HLV Kim Huệ mới đây có thể nhận thấy khá nhiều quy định trong bản quy chế chuyển nhượng không hề chặt chẽ. Tại một số điểm nếu như xét cụ thể thì HLV Kim Huệ cũng cần tách khỏi 3 học trò trong 1 vụ việc khác.

Điều 7: CLB muốn nhận chuyển nhượng VĐV phải thông báo bằng văn bản cho CLB có VĐV về việc xem xét chuyển nhượng. Thoả thuận chuyển nhượng VĐV phải được lập thành văn bản có chữ ký của lãnh đạo 2 CLB (có dấu xác nhận) và VĐV tham gia chuyển nhượng. Khoản 3, Điều 7 quy định sau khi ký thoả thuận các bên phải tiến hành các thủ tục về chấm dứt và ký kết hợp đồng mới với VĐV theo quy định của pháp luật và quy chế chuyển nhượng.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 3 - Quy chế chuyển nhượng vận động viên đã lỗi thời - Ảnh 3
HLV Kim Huệ và trước đó là Vi Thị Như Quỳnh cũng vướng vào những kiện tụng do quy chế chuyển nhượng VĐV đã cũ (ảnh: Cuonqpv)

Như vậy: "Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền không cấm VĐV đang còn hợp đồng với một CLB này được phép đàm phán, thoả thuận với đơn vị khác". Một mặt, trong bản quy chế đó không hề có mục chuyển nhượng HLV mà chỉ là mối quan hệ giữa VĐV với CLB chủ quản.

Câu chuyện trách nhiệm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khi giải quyết tranh chấp giữa VĐV và CLB, đặc biệt trong vụ HLV Kim Huệ vừa qua hay vụ Đinh Thị Thúy trước đây.

Khi các câu lạc bộ có tranh chấp về vận động viên, theo Điều 12 Quy chế chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền, Liên đoàn chỉ giải quyết cho vận động viên thi đấu cho câu lạc bộ mới khi: Vận động viên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hợp pháp, và có hồ sơ đề nghị giải quyết vụ việc, và sau thời gian 6 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

Khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam giải quyết tranh chấp, thì mức bồi thường của câu lạc bộ mới và vận động viên phải bồi thường cho câu lạc bộ cũ sẽ được Liên đoàn áp dụng theo mức quy định tại Điều 14 của Quy chế khi các bên không tự thoả thuận được.

Khi chuyển nhượng vận động viên, các câu lạc bộ tự do thoả thuận về mức tiền chuyển nhượng. Quy định về chi phí đào tạo tại Điều 14 Quy chế chỉ có ý nghĩa để các câu lạc bộ tham khảo".

Như vậy có thể thấy rằng trong tất cả các trường hợp đã xảy ra gần như vai trò của tổ chức xã hội, nghề nghiệp không quá rõ ràng. Vai trò của Liên đoàn trong các vụ tranh chấp hợp đồng cũng không được coi trọng dẫn tới ngay cả VĐV hiện nay cũng tự đứng ra đàm phán hợp đồng của mình và chờ đến khi mọi thứ hoàn tất mới thông báo đến cơ quan chủ quản hoặc khi gặp khó mới lục đục lôi nhau lên Liên đoàn giải quyết. Những kẽ hở đó tạo tiền lệ xấu cho nền bóng chuyền nước nhà nếu chúng ta quyết tâm làm chuyên nghiệp.

Đón đọc: Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 4 - Công tác truyền thông chưa được chú trọng

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá