TUNTHETHAO365.ORG
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng chuyền Bóng chuyền Việt Nam

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 1 - Thể thức thi đấu và Công nghệ

Thứ hai, 07/03/2022 14:00 (GMT+7)

Đã qua 18 mùa tính từ thời điểm giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc đổi tên thành giải bóng chuyền VĐQG nhưng tính chuyên nghiệp của bóng chuyền Việt vẫn chưa được nâng tầm.

Giải bóng chuyền VĐQG hiện nay của Việt Nam mới chỉ là giải bóng chuyền bán chuyên nghiệp thi đấu theo thể thức cũ. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong nhiều năm qua mặc dù đang từng bước đưa bóng chuyền nước nhà lên một tầm cao mới xứng đáng với nguồn lực của mình nhưng dường như chúng ta vẫn đang loay hoay chưa có lời giải.

Có thể thấy trong những năm qua, Liên đoàn, bộ môn đã để lại dấu ấn khi thay đổi thể thức thi đấu theo từng năm để khắc phục những nhược điểm cũ. Năm 2014, mỗi mùa giải có 12 câu lạc bộ bóng chuyền nam và 12 đội nữ tham dự và tạo ra 2 bảng, mỗi bảng 6 đội đối với từng nội dung. Bước sang năm 2018 số đội bóng được rút xuống còn 10 đội/nội dung. Thời điểm này các đội bóng thi đấu vòng tròn tính điểm tại vòng 1 và 2 sau đó các đội đạt thành tích cao sẽ vào vòng tranh cúp vô địch. các đội nằm ở tốp cuối mỗi bảng sẽ thi đấu vòng chung kết ngược để chọn 2 đội xuống hạng.

Mùa giải 2019, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam bắt đầu thay đổi cách xếp bảng khi vòng 1 khép lại, các đội xếp ở vị trí 1, 3 và 5 của bảng A và B sẽ lần lượt nhóm lại với các đội xếp hạng 2 và 4 ở bảng B và A để tạo thành bảng C và D. Các đội sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm, sau đó cộng tổng thành tích ở hai vòng bảng để tìm ra những đội lọt vào Vòng chung kết (tính cả Vòng chung kết ngược).

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 1 - Thể thức thi đấu và Công nghệ - Ảnh 1
Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp

Mặc dù có sự thay đổi để tạo ra sự công bằng nhưng lại phát sinh vấn đề các đội bóng đã đủ điều kiện an toàn tại vòng 1 sẽ gần như buông vòng 2 hoặc buông những trận cuối khiến giải đấu trở nên “nhếch nhác” với những trận cầu vô bổ. Để thích ứng điều đó, mùa giải 2021 trở đi, sau khi các đội hoàn thành 2 vòng đấu, kết quả thi đấu được tổng hợp và xếp hạng từ 1-10 (theo các nội dung). Bước vào bán kết sẽ là hai cặp đấu 1 vs 4 và 2 vs 3 tính theo bảng xếp hạng. Vòng đấu tranh vé trụ hạng sẽ là hai cặp đấu 7 vs 10 và 8 vs 9. Hai đội thua bước vào trận chung kết ngược để tìm ra đội bóng phải xuống chơi tại giải hạng A mùa giải sau.

Việc xếp lại bảng đấu tại Vòng 2 giải VĐQG hàng năm để tăng tính công bằng đã được áp dụng từ mùa giải 2019 và đây cũng là mùa giải đầu tiên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam bước vào lộ trình rút ngắn số đội bóng để tiến tới giảm số đội tại giải VĐQG xuống còn 8 đội/nội dung.

Thể thức thi đấu giải bóng chuyền VĐQG theo dạng League được chờ đợi

Có thể thấy các giải bóng chuyền hàng đầu khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines đều áp dụng thể thức thi đấu theo dạng League để tăng tính hấp dẫn của giải đấu. Đây là vấn đề mà bản thân các đội bóng đều mong muốn hướng tới bởi ngoài vấn đề về chuyên môn thì việc rèn quân cả năm, thi đấu nửa tháng là quá lãng phí.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 1 - Thể thức thi đấu và Công nghệ - Ảnh 4
Giải bóng chuyền VĐQG Malaysia mới đây đã chuyển sang thi đấu theo thể thức League

Chưa kể nếu như thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách sẽ kích thích các đội bóng đầu tư hơn, quảng bá mạnh hơn và sức hút từ truyền thông cũng lớn hơn. Điều này giúp CLB có nguồn thu từ bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình. Thêm nữa, thi đấu theo dạng League sẽ tạo nên một giải đấu hoàn toàn chuyên nghiệp và nâng tầm bóng chuyền Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Mới nhất, trong khu vực Đông Nam Á, giải bóng chuyền VĐQG Malaysia cũng đã thay đổi thể thức thi đấu theo dạng League để tăng tính hấp dẫn của bóng chuyền nước này. Đây cũng chính là giải đấu đã từng đánh tiếng mời một số VĐV nổi tiếng của Việt Nam qua thi đấu trong thời gian qua.

Rút gọn số đội bóng và lộ trình đang bị phình to

Mùa giải 2021 với bóng chuyền Việt Nam trở thành bước đi khá lúng túng trong trường hợp 2 đội bóng chuyền nam La vie Long An cùng nữ VTV Bình Điền Long An có VĐV dương tính COVID-19. Thời điểm đó, những quy định chặt chẽ về phòng chống dịch khiến 2 đội không thể tham dự Vòng 2 và VCK giải VĐQG Cúp Bamboo Airways 2021.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 1 - Thể thức thi đấu và Công nghệ - Ảnh 2
Một trận đấu tại giải bóng chuyền Hạng A năm 2021

Chính vì lý do này nên mặc dù là năm cuối trong 3 năm lộ trình rút gọn số đội tại giải bóng chuyền VĐQG nhưng Liên đoàn lại khá lấn cấn khi quyết định mùa giải 2022 sẽ có 11 đội/nội dung tham dự và đặc biệt sẽ có 2 đội xuống hạng. Điều này đồng nghĩa với việc mùa giải 2023 vẫn có 10 đội bóng tham dự giải VĐQG và lộ trình giảm số đội bóng lại nới rông thêm một thời gian nữa.

Bên thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7 vừa qua, tân Tổng thư ký Lê Trí Trường cho biết: “Năm 2022 là năm mà chúng ta cần có 1 hội thảo để đánh giá lại việc giảm số đội tại giải VĐQG, bên cạnh đó chúng ta cần tiếp tục làm thế nào để nâng cao tính hấp dẫn của giải”.

Áp dụng công nghệ Video Challenge Eyes vào công tác điều hành trận đấu

Cũng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 7, trong bài tham luận của ông Đào Hữu Huyền có đề cập đến Video Challenge Eyes, tương tự như hệ thống chiếu chậm Hawk-eyes trong Tennis. Ông cho biết: “Vấn đề trọng tài trong bóng chuyền nước nhà có vấn đề. Tôi chưa tìm hiểu trang bị cái này hết bao nhiêu tiền nhưng nếu cần tôi cũng sẵn sàng trang bị để cho khỏi cãi nhau”.

Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 1 - Thể thức thi đấu và Công nghệ - Ảnh 3
Hệ thống Video Challenge Eyes rất quan trọng trong thi đấu bóng chuyền

Hệ thống Video Challenge Eyes rất quan trọng, nó có thể giúp các đội bóng yên tâm thi đấu, đồng thời hạn chế đến mức tối đa sai sót của các trọng tài điều hành trận đấu. Có Challenge các trọng tài sẽ xử lý những tình huống bóng rơi trong hoặc ngoài sân khó phân định bằng mắt thường và các tình huống chạm tay vào mép trên của lưới của VĐV có thể gây ra tranh cãi.

Tuy vậy, đến thời điểm này, Liên đoàn vẫn chưa quyết định tại giải bóng chuyền VĐQG mùa tới có áp dụng công nghệ này vào thi đấu hy không. Đây là một phần rất quan trọng trong thi đấu giúp tăng tính công bằng và đảm bảo khắc phục những sai sót đôi khi bằng măt thường rất khó quan sát.

Như vậy có thể thấy rằng để có thể tiến lên chuyên nghiệp, Bóng chuyền Việt Nam vẫn đang loay hoay với những phát sinh mà chưa thể đưa ra một giải pháp đồng bộ, chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây. Muốn cho bóng chuyền nước nhà phát triển và nâng tầm cần có nhiều hướng đi đột phá cùng với đó là sự mạnh dạn đầu tư công nghệ trong điều hành giải đấu.

Đón đọc: Bóng chuyền Việt Nam loay hoay với chuyên nghiệp: Kỳ 2 - Hệ thống các giải đấu chưa có sự liền lạc

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá