9 Kỹ thuật đánh cầu lông cơ bản và hiệu quả cho người mới
Thứ hai, 27/12/2021 16:08 (GMT+7)
Kỹ thuật đánh cầu lông cơ bản cho người mới. Xxsmienbac.com cập nhật cách chơi cầu lông đúng kỹ thuật, giúp bạn tránh gặp các chấn thương và nâng cao trình độ.
Trong số các môn thể thao, cầu lông là một trong những môn có tốc độ cao nhất. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng đây là môn thể thao rất khó để thực hành. Tuy nhiên, chỉ cần nắm vững những kỹ thuật cầu lông cơ bản sau đây, bạn có thể dễ dàng làm quen với bộ môn này.
1. Cách cầm vợt cầu lông chuẩn
Một trong những kỹ thuật đánh cầu lông đầu tiên cần nắm vững là cầm vợt cầu lông một cách chính xác. Việc cầm vợt chính xác sẽ giúp bạn có thể kiểm soát đường cầu bay, đồng thời hạn chế các nguy cơ gặp chấn thương cho cổ tay.
Để dễ hình dung hơn, việc cầm vào cán vợt cầu lông khá là tương đồng với việc bắt tay. Khi ấy, ngón tay cái được mở ra, bám chắc trên bề mặt rộng hơn của cán vợt. Bên phía đối diện của cán vợt, lực sẽ dồn vào ngón trỏ. 3 ngón tay còn lại thả lỏng và không nên bám chặt 3 ngón này.
Có 2 cách đánh: thuận tay và trái tay, tương ứng sẽ có 2 cách cầm vợt phù hợp với 2 cách đánh này.
- Đánh thuận tay: ngón trỏ mở ra và hơi hướng song song với cán vợt
- Đánh trái tay: ngón trỏ quặp lại, đặt ngón cái tựa lên cán vợt
2. Tư thế đứng cơ bản
Tư thế đứng giúp bạn chuẩn bị bước đánh cầu tiếp theo dễ dàng hơn, đồng thời dễ hoạt động trong quá trình di chuyển trên sân. Khi bạn đã làm quen với kỹ thuật cầu lông, bạn có thể nhìn tư thế của đối thủ để phán đoán lối chơi, cú đánh lần tới. Hiện có các tư thế đứng cơ bản như sau:
- Tư thế thấp/phòng thủ: Hai chân rộng bằng vai, hai chân đứng song song bằng nửa trước của bàn chân, hơi khuỵu gối. Lưng cong một cách tự nhiên, hơi đổ người về phía trước nhưng vẫn cần giữ thăng bằng tốt, đầu hơi ngửa, cầm vợt ở tay thuận, mặt vợt hướng về phía trước ngang bụng/ thắt lưng. Bạn có thể sử dụng tư thế đứng này để phòng thủ trong quá trình thi đấu.
- Tư thế cao/ tấn công: Hai chân rộng bằng vai. Chân bên phía không cầm vợt để lên trước, chân cùng bên tay cầm vợt đặt phía sau, dồn trọng lực cơ thể ở nửa trước bàn chân. Trong quá trình thi đấu, bạn cần hướng người về các đường biên dọc, nếu trong trường hợp chuẩn bị phát cầu hoặc đánh cầu cao tay thì tay thuận cầm vợt sao cho mặt vợt cao ngang trán. Khi thực hiện các cú tấn công, bạn hãy giơ cao hai tay để tạo lực đánh cầu và quỹ đạo của cầu theo hình vòng cung hướng xuống.
- Tư thế đỡ cầu: Khi bạn đã đẩy cầu qua lưới đối thủ hãy thực hiện ngay tư thế chuẩn bị để đón đường cầu đối thủ, Lúc này chân cùng bên tay cầm vợt sẽ để phía trước, chân còn lại để phía sau. Tay cầm vợt trên thắt lưng, đổ nhẹ người về phía trước và chuẩn bị sẵn sàng cho hành động lao người đỡ cầu tiếp theo.
3. Kỹ thuật di chuyển khi đánh cầu lông
Kỹ thuật di chuyển cơ bản vô cùng quan trọng trong quá trình đánh cầu lông. Di chuyển giúp bạn hoàn thành các kỹ thuật đánh cầu, ngăn cản cú tấn công từ phía đối thủ. Bạn có thành công tấn công hay phòng thủ đều phụ thuộc vào kỹ thuật di chuyển của mình.
Cách di chuyển trong sân cầu lông sẽ chủ yếu là các bước nhỏ. Với mỗi chiến thuật đánh sẽ có những thiên hướng di chuyển khác nhau, nhưng cần ghi nhớ một số quy tắc di chuyển cơ bản cơ bản để có thể tiết kiệm thể lực một cách tối ưu nhất như sau:
- Luôn ghi nhớ vị trí chính giữa phần sân thi đấu của mình
- Khi di chuyển ngang, chỉ cần bước 1 bước
- Khi tiến trước - lùi sau cần 2-3 bước tùy đường cầu của đối thủ
- Di chuyển chéo sân cũng sẽ cần 2-3 bước.
Akane Yamaguchi chỉ cao 1m56 nhưng khả năng di chuyển cực tốt giúp cô luôn chơi rất chắc chắn
Kỹ thuật di chuyển của môn cầu lông được phân thành ba nhóm cơ bản.
- Di chuyển bước đơn:
Bước di chuyển này thường dùng để phòng thủ, áp dụng cho trường hợp đánh cầu bên phải, bên trái, vụt cầu khi cầu rơi gần người. Bạn chỉ cần thay đổi 1 chân, còn chân kia làm trụ.
Khi đánh cầu phải thì dùng gót chân trái làm trụ, xoay bàn chân sang phải, chân phải lùi về sau và dồn trọng tâm, cơ thể xoay nghiêng sang phải.
Khi đánh cầu trái: Dùng gót chân phải làm trụ, xoay mũi bàn chân sang trái, chân trái lùi về sau để dồn trọng tâm cơ thể, người nghiên về phía bên trái.
- Di chuyển nhiều bước:
Đây là cách di chuyển và thay đổi vị trí của 2 chân trên 2 bước chân. Kỹ thuật di chuyển này thường được áp dụng thường xuyên và có tầm quan trọng tới kỹ thuật tay, giúp bạn tạo các cú tấn công, phòng thủ thành công và áp dụng các chiến thuật.
Di chuyển sang ngang: Nếu di chuyển sang phải thì bước chân trái về phía trước, quay người sang phải, trọng tâm hạ thấp, sau đó bước chân phải và chân trái, tay đưa vợt về phía trước. Di chuyển sang trái thì làm tương tự với hướng ngược lại.
Di chuyển lùi và tiến: Sử dụng các bước sải để di chuyển lên trên hoặc lùi về sau để đánh cầu, hai chân luân phiên nhau và sử dụng tư thế đánh cầu phải hoặc trái để kết thúc
- Di chuyển bước nhảy:
Bước nhảy là động tác di chuyển linh hoạt, đòi hỏi khả năng phản xạ, sức bật và phán đoán điểm rơi của cầu chính xác. Sử dụng kỹ thuật cầu lông này đúng thời điểm các bước nhảy sẽ giúp bạn dễ dàng phòng thủ và tạo lực thực hiện cú tấn công mạnh về phía đối thủ.
+) Nhảy về trước:
Đây là động tác bước nhảy nhanh, hợp lý khi vị trí đứng của mình ở giữa sân hoặc điểm rơi xa với vị trí của mình. Động tác này thường được áp dụng khi cầu rơi sát lưới hay dọc biên và di chuyển nhiều bước không đem lại hiệu quả
Từ tư thế chuẩn bị cơ bản, dùng sức bật người lên phía trước theo hướng di chuyển. Ở động tác này cần sử dụng bước vươn dài của chân cùng phía tay đánh cầu. Khi chạm đất, trọng tâm của cả cơ thể sẽ dồn vào chân trước, vì thế bạn cần khuỵu gối để tránh áp lực lên gối gây chấn thương. Tay cầm vợt sẽ vươn dài về phía trước để đón cầu. Khi kết thúc thì dùng chân trước đẩy người về phía sau và tạo tư thế chuẩn bị cơ bản như đã hướng dẫn ở trên.
Di chuyển nhảy về phía trước là kỹ thuật đánh cầu lông hiệu quả khi cầu rơi sát lưới, dọc biên
+) Nhảy có bước đệm:
Nhảy bước đệm chia thành hai giai đoạn bật và bay. Cơ thể sẽ dựa vào sức bật của hai cân để bật lên cao, một chân sau khi tiếp xúc với mặt đất tiếp tục bật mạnh để đưa cơ thể bay nhanh hơn, chân còn lại sẽ vươn dài về phía trước. Kết thúc động tác sẽ giống với di chuyển nhảy về phía trước.
+) Nhảy lên cao vụt hoặc chặn cầu:
Kỹ thuật di chuyển này sẽ giúp bạn tối đa hoá sức mạnh trong tấn công bằng cách vận dụng chiều cao, sức bật của bản thân để đón đường cầu bay trên không trung. Với kỹ thuật này sẽ giúp bạn dồn lực nhanh và mạnh vào cầu, điểm rơi sẽ gần sát lưới, giúp đối thủ không kịp trở tay
Từ tư thế chuẩn bị cơ bản, sử dụng sức bật để nâng cơ thể lên cao, thực hiện động tác đánh cầu và rơi xuống. Chân chạm đất là chân không cùng bên cầm vợt, sau đó là chân còn lại và nhanh chóng thủ thế chuẩn bị cơ bản.
4. Kỹ thuật phát cầu
Giao cầu hay phát cầu là thời điểm quan trọng để bắt đầu một lượt đánh, kết quả của nó quyết định phần lớn cách chơi của bạn trong trận đấu này là chủ động hay bị động. Những cây vợt xuất sắc có thể ghi điểm trực tiếp từ những pha phát cầu hiểm hóc, hoặc cũng có những người lợi thế do đánh lỗi. Giao cầu có 2 loại:
- Giao cầu dài - giao cầu cao tay:
Những cú giao cầu dài thường để điều cầu về cuối sân của đối thủ. Phương án này có thể khiến đối thủ gặp khó trong việc trả giao cầu, hoặc khiến đối thủ phải sử dụng cú đánh trái tay.
- Giao cầu ngắn - giao cầu thấp tay:
Với những cú giao cầu ngắn, cầu sẽ bay sát lưới và có xu hướng đáp xuống phần trên của sân đối thủ. Giao cầu ngắn có thể đem lại điểm trực tiếp cho người giao cầu, hoặc khiến đối phương trả cầu khó khăn, có khả năng hứng chịu một cú đập mạnh hoặc một đường cầu dài. Dù có độ nguy hiểm cao nhưng rủi ro cho người giao cầu cũng khá lớn nếu đường cầu bay không đủ hiểm hóc.
5. Kỹ thuật đập cầu
Đây là kỹ thuật ưa thích cho những cây vợt khẳng định sức mạnh của mình trên mặt trận tấn công. Điểm mấu chốt nằm ở việc gập cổ tay xuống, từ đó quỹ đạo cầu sẽ từ trên cao bay thẳng xuống mặt sân với một tốc độ rất nhanh. Những pha đập cầu tốt thường khiến đối phương vất vả đánh trả hoặc chỉ có thể đứng chôn chân nhìn. Có 3 hình thức đập cầu: đập cầu thuận tay, đập cầu trái tay và bật nhảy đập cầu.
Bật nhảy đập cầu là hình thức khó nhất và thường được sử dụng trong những tình huống mà người sử dụng tin chắc về khả năng giành điểm. Khi bật lên đập cầu, cú đập của bạn sẽ có thêm rất nhiều lực, nhưng nếu đối phương có thể trả cầu thì bạn sẽ phải tiếp đất mới có thể di chuyển để phản công.
Có hai loại đập cầu cơ bản như sau:
- Đập cầu thuận tay: nghiêng người lùi lại một bước, kết hợp với bước di chuyển nhảy để bật người lên cao, cánh tay cùng cổ tay phát lực đập cầu mạnh về phía đối thủ. Sau khi rơi xuống nhanh chóng về vị trí trung tâm.
- Đập cầu trái tay: Xác định điểm rơi của cầu, nghiêng người về sau để vai phải hướng về phía lưới trọng tâm. Tay phải gập vào tạo góc nhỏ hơn 90 độ giữ vợt và hướng đập cầu, dùng sức vung mạnh để đánh cầu bằng mặt trái.
6. Kỹ thuật lốp cầu (phông)
Lốp cầu (phông cầu) là kỹ thuật cơ bản nhất khi thực hành với cầu, thường được các huấn luyện viên yêu cầu tập ngay sau khi làm quen với vợt và sân đấu. Lốp cầu là kỹ thuật đánh cầu lông để quả cầu bay từ cuối sân cầu bên này sang cuối sân cầu bên kia của đối thủ. Các cú lốp cầu thường có quỹ đạo thoải và được chia làm 2 loại là lốp cầu thuận tay hoặc lốp cầu trái tay.
Đây là loại kỹ thuật đánh cầu lông được sử dụng nhiều nhất trong các trận thi đấu đơn, với mục đích điều cầu về phía xa để đối thủ không dễ đánh trả. Bên cạnh đó việc khiến đối phương di chuyển khắp sân cũng tạo ra cơ hội để bạn thực hiện những cú tấn công hiểm hóc khi mà phần sân trên đã bị bỏ trống. Đây là kỹ thuật ưa thích của những cây vợt có lối chơi phòng ngự.
Có hai hạng phông cầu chúng ta thường gặp:
- Phông cầu tấn công: Khi đã nắm bắt được chiến lược và cách chơi của đối thủ, chúng ta thực hiện cú đánh phông cầu mạnh về phía sâu cuối sân của đối thủ, sẽ khiến đối thủ phải lùi lại và với tới cầu.
- Phông cầu phòng thủ: Khi cũng ta đang trong trạng thái thất thủ cần kéo giãn thời gian để quay trở lại vị trí trung tâm.
Tư thế kỹ thuật: Cách cầm vợt cầu lông cơ bản, sử dụng cổ tay và lực đẩy của ngón trỏ để đẩy cầu khi cầu chạm mặt vợt. sử dụng bước nhảy di chuyển hoặc bước di chuyển đa bước để đỡ và thực hiện cú đánh.
7. Kỹ thuật bỏ nhỏ
Bỏ nhỏ với những động tác đơn giản, ít sức lực nhưng lại có thể gây nguy hiểm rất cao cho đối phương. Bỏ nhỏ thường được sử dụng sau khi bạn liên tục lốp cầu khiến đối phương phải di chuyển về phía cuối sân hoặc sang 2 vạch biên, từ đó để lộ khoảng trống ở phần sân trên và giữa sân.
Động tác này đòi hỏi sự tinh tế cao khi bạn phải áng chừng được một lực vừa đủ để cầu bay qua lưới, nếu có thể hãy đưa sát mép lưới. Khi bỏ nhỏ, cần lưu ý cầu phải được tiếp xúc ở khu vực chính giữa mặt vợt, tuyệt đối không để chạm cạnh vợt nếu không sẽ khó kiểm soát đường bay của cầu.
9. Kỹ thuật gài cầu
Gài cầu cũng được sử dụng khá thường xuyên, bởi nó mang lại hiệu quả cao mà không tốn nhiều sức. Gài cầu khá tương đồng với đập cầu, khi quỹ đạo cầu cũng sẽ là hướng thẳng từ trên xuống mặt sân. Nhưng điểm khác biệt ở 2 kỹ thuật này là gài cầu thường được sử dụng khi bạn đứng gần lưới và cầu bay không cao. Một mẹo nhỏ khi gài cầu, đó là bạn nên nhắm vào phần sân trái tay của đối thủ để đối thủ không thể trả cầu một cách tốt nhất.
Có một lưu ý, vì kỹ thuật cầu lông này thường được sử dụng khi đứng gần lưới nên cũng có rất nhiều cây vợt mắc lỗi vợt chạm lưới hoặc đưa vợt qua lưới khi sử dụng gài cầu.
Trên đây là một số kỹ thuật cầu lông cơ bản mà người chơi cầu lông cần nắm vững, Xxsmienbac.com hy vọng bài viết này sẽ giúp việc làm quen với cầu lông của các bạn trở nên dễ dàng hơn, từ đó sẽ có nhiều thời gian hơn cho môn thể thao bổ ích này.