TUNTHETHAO365.ORG
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Châu Á

14 năm đi giật lùi giữa châu Á của bóng đá Australia

Thứ hai, 06/09/2021 12:16 (GMT+7)

Lần đầu tiên kể từ Asian Cup 2007, đội tuyển xứ sở chuột túi mới có thêm 1 lần đặt chân đến thủ đô Hà Nội. Đội hình đến Việt Nam lần này của Australia không còn những ngôi sao đẳng cấp thế giới nữa. Họ chỉ còn là cái bóng của chính mình, lép vế khi đứng bên cạnh những tượng đài năm xưa.

Harry Kewell đá sân Mỹ Đình

Nếu không tính những trận đấu của đội tuyển Việt Nam, cuộc đối đầu nào ở Asian Cup 2007 thu hút nhiều khán giả đến sân Mỹ Đình nhất? Đó chính là trận thư hùng ở tứ kết giữa Nhật Bản và Australia. 25.000 CĐV đã mua vé dự khán để xem Harry Kewell đối đầu Shunsuke Nakamura giữa lòng Hà Nội. Nếu không tính trận chung kết và những trận có đội chủ nhà góp mặt, đây chính là trận thu hút nhiều người hâm mộ nhất ở Asian Cup năm ấy.

14 năm đi giật lùi giữa châu Á của bóng đá Australia - Ảnh 1
Bóng đá Australia từng có một thế hệ đầy cầu thủ tài năng. (Ảnh: Getty Images)

Nhật Bản cũng chỉ có thể kéo được 5-10.000 khán giả đến sân theo dõi, nhưng Australia lại thu hút đến 25.000 người. Điều gì đã làm nên sự khác biệt lớn như vậy? Câu trả lời đến từ những cái tên vô cùng gần gũi với khán giả Việt Nam. Mọi người vốn chỉ theo dõi Harry Kewell, Mark Viduka, Lucas Neill, Mark Schwarzer... qua màn hình ti vi, nay lại có dịp thấy họ chơi trên sân Mỹ Đình.

Trong số những cầu thủ Australia đến Hà Nội đá trận tứ kết Asian Cup với Nhật Bản, Harry Kewell là cái tên đáng chú ý hơn cả. Người hâm mộ Việt Nam ngày ấy gần như chỉ xem Ngoại hạng Anh, với Kewell được nhắc tên suốt 1 thập niên. Từng khoác áo Leeds, lại đang chơi cho Liverpool và vô địch Champions League, sự xuất hiện của Kewell quả thực là giấc mơ với những người yêu bóng đá.

Không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc, Australia mới là cái tên đáng chú ý nhất ở Asian Cup 2007. Có 3 lý do để đội bóng xứ sở chuột túi mang đến Đông Nam Á đội hình mạnh nhất từng tham dự World Cup 2006. Thứ nhất, đây là kỳ Asian Cup tổ chức vào mùa hè, trùng với kỳ nghỉ của các CLB châu Âu. Thứ hai, Australia muốn chứng minh đẳng cấp vượt trội của họ so với phần còn lại của bóng đá châu Á.

14 năm đi giật lùi giữa châu Á của bóng đá Australia - Ảnh 2
Harry Kewell đá trên sân Mỹ Đình tại Asian Cup 2007. (Ảnh: Getty Images)

Australia vốn dĩ không thuộc Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC). Họ giữ tư cách thành viên của Liên đoàn Bóng đá Châu Đại Dương (OFC) đến tận năm 2006. Về lý thuyết, Australia còn là thành viên của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và có thể cử đội tuyển tham dự AFF Cup, SEA Games trong tương lai. Nhưng mục tiêu khi gia nhập châu Á của họ không nằm ở những giải đấu "ao làng" như thế.

Đích ngắm của Australia khi đến với AFC rất rõ ràng: Một suất trực tiếp tham dự World Cup. Khi còn là thành viên của OFC, họ buộc phải đá playoff với những đội tuyển rất mạnh ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Việc đó khiến cho cơ hội dự World Cup của Australia giảm đi rất nhiều, và bằng chứng là họ phải mất 3 thập niên để tái xuất Cúp Thế giới vào năm 2006.

Châu Á không hề dễ chơi!

1 năm trước khi xuất hiện ở đấu trường Asian Cup, Australia đã thi đấu cực hay tại World Cup. Họ thắng Nhật Bản, hòa Croatia, và chỉ thua đương kim vô địch Brazil trong một trận đấu mà đôi bên ăn miếng trả miếng ở khu vực giữa sân. Thành tích đó giúp Australia bước vào vòng 16 đội và chạm trán Italia, đội tuyển sau đó lên ngôi vô địch.

>>> Lứa U19 Việt Nam thắng Australia hồi 2014 giờ ở đâu?

Italia đã thắng Australia theo cách vô cùng xấu xí, nhờ một quả phạt đền gây tranh cãi ở những giây bù giờ cuối hiệp 2. Trước đó, đội bóng thiên thanh không thể tìm được đường vào khung thành Mark Schwarzer suốt 90 phút thi đấu chính thức. Australia rời World Cup trong thế ngẩng cao đầu, và họ nghiễm nhiên trở thành ứng cử viên số 1 cho chức vô địch Asian Cup 2007.

Một đội tuyển từng đá ngang ngửa Italia hẳn không phải đối thủ tầm thường, nhưng Australia đã sớm phải trải nghiệm sự khắc nghiệt của bóng đá châu Á ở lần đầu tham dự Asian Cup. Thời tiết nắng nóng trên đất Thái Lan đã khiến Australia suýt bị loại ngay từ vòng bảng. Họ chỉ giành 1 điểm sau 2 trận đầu tiên (hòa Oman, thua Iraq), và lọt vào tứ kết nhờ thắng Thái Lan 4-0 ở trận cuối cùng.

Vị trí nhì bảng A khiến Australia không thể tiếp tục đá vòng loại trực tiếp ở Thái Lan. Họ phải hành quân đến Việt Nam để đối đầu Nhật Bản, và đó là sự khởi đầu cho câu chuyện Harry Kewell chơi bóng trên sân Mỹ Đình. Nhưng kết quả cuối cùng lại diễn ra theo cách không ai ngờ tới. Australia không thể giải quyết trận đấu trong 120 phút, rồi thua trên chấm phạt đền.

14 năm đi giật lùi giữa châu Á của bóng đá Australia - Ảnh 3
Australia thất bại bẽ bàng ở Asian Cup 2007. (Ảnh: Getty Images)

25.000 khán giả trên sân Mỹ Đình chưng hửng. Họ đến với kỳ vọng chứng kiến một đội bóng đẳng cấp thế giới thể hiện trình độ vượt trội, nhưng Australia lại không thể hiện được điều đó. Đội tuyển từng thắng Nhật Bản tưng bừng với tỷ số 3-1 ở World Cup 2006 nay lại chơi bế tắc. Mark Viduka tịt ngòi, còn Harry Kewell chính là người đá hỏng quả đầu tiên ở loạt sút luân lưu.

"Mọi người cứ nghĩ Australia thi đấu ở châu Á thì sẽ dễ dàng đánh bại các đội bóng khác, nhưng thực tế không phải như vậy. Không có đội tuyển châu Á nào dễ chơi cả. Chúng tôi phải đá hết sức mới có thể giành chiến thắng". Đó là lời Kewell chia sẻ trước thềm Asian Cup 2011, giải đấu anh và các đồng đội giành ngôi Á quân. Đội bóng ngáng đường họ đến chức vô địch lần này lại là Nhật Bản.

Phải đến kỳ Asian Cup 2015, Australia mới được tận hưởng niềm vui vô địch với tư cách nước chủ nhà. Nhưng đội hình đầy sao số ngày nào giờ không còn nữa. Ngoài tượng đài Tim Cahill, những trụ cột giúp Australia giành cúp năm đó là những cầu thủ vô danh như Massimo Luongo, James Troisi, Robbie Kruse hay Trent Sainsbury. Người duy nhất có chút tên tuổi là Mile Jedinak, tiền vệ khoác áo Crystal Palace thời điểm đó.

14 năm đi giật lùi giữa châu Á của bóng đá Australia - Ảnh 4
Jedinak chỉ là cầu thủ hạng trung, nhưng đeo băng đội trưởng ĐT Australia.

Mục tiêu giành vé tham dự World Cup của Australia qua cánh cửa AFC đã thành công. Từ đó đến nay, họ trở thành khách mời thường xuyên của Cúp Thế giới, nhưng thành tích không còn như xưa nữa. Đội tuyển cứng cựa từng gây khó khăn cho Italia ngày nào giờ trầy trật ngay từ vòng bảng. Ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, Australia thậm chí còn để Thái Lan cầm hòa. Họ phải giành vé qua suất playoff.

Vì đâu nên nỗi?

14 năm đã trôi qua kể từ ngày Harry Kewell sải bước chạy trên sân Mỹ Đình. Australia đã vô địch Asian Cup, đã giành vé dự World Cup với tư cách một thành viên của AFC, nhưng tham vọng thống trị bóng đá châu Á của họ đã sụp đổ hoàn toàn. Từ vị thế là một trong những đội tuyển mạnh nhất, giờ đây bóng đá Australia phải tìm đường dự World Cup qua suất playoff, bị những đội bóng như Thái Lan cầm chân.

Đâu là nguyên nhân của sự thụt lùi đó? Có rất nhiều đáp án cho câu hỏi này. Thứ nhất là sự thiếu vắng của những cầu thủ kế cận thế hệ vàng Harry Kewell và Mark Viduka. Công tác đào tạo trẻ của bóng đá Australia không được chú trọng bài bản và săn tìm những tài năng. Bằng chứng là các đội tuyển trẻ của Australia gần đây thường xuyên trải qua những chuỗi trận thảm họa.

>>> Giải mã Harry Souttar, 'Maguire Australia' đấu Việt Nam ở vòng loại World Cup

5 năm trước, đội U16 Australia liên tục nhận thất bại trước Việt Nam ở giải U16 Đông Nam Á và U16 châu Á. Những cầu thủ lứa U21, U23 lại gặp một trở ngại khác khi đầu quân cho một đội bóng thuộc A.League: Cạnh tranh suất với đàn anh và ngoại binh. Áp lực thành tích khiến các CLB Australia chuộng dùng cầu thủ nước ngoài hoặc những người có nhiều năm kinh nghiệm. Cầu thủ trẻ gần như không có chỗ đứng.

Ở chiều ngược lại, rất hiếm cầu thủ Australia dám ra nước ngoài thi đấu. Nếu xuất ngoại, những người như Aaron Mooy chỉ trụ lại ở châu Âu một thời gian trước khi tìm đến một bến đỗ dễ dàng hơn. Tại sao lại phải căng mình thi đấu ở Ngoại hạng Anh hay Bundesliga, trong khi họ có thể kiếm số tiền tương tự tại Nhật Bản hoặc Trung Quốc? Đó cũng là một vấn đề khác bóng đá Australia đang gặp phải: Tư duy "châu Á hóa".

14 năm đi giật lùi giữa châu Á của bóng đá Australia - Ảnh 5
Aaron Mooy mới 30 tuổi nhưng đã sang Trung Quốc dưỡng già.

Ron Smith, một HLV có kinh nghiệm 20 năm trong việc huấn luyện cầu thủ trẻ tại Australia nói thanh niên bây giờ không còn quan tâm đến bóng đá nữa. "Thế hệ của Viduka, Kewell đâu có máy tính bảng, điện thoại hay Internet. Nếu mải mê với những thứ đó, sẽ không còn cậu bé nào chịu khổ luyện thành cầu thủ nữa. Gia đình cũng không muốn bọn trẻ đá bóng mà hướng theo con đường học hành", Smith cay đắng thừa nhận.

Đỉnh điểm thất bại của lối tư duy "châu Á hóa" nền bóng đá Australia diễn ra vào cuối năm ngoái. Hàng loạt CLB thuộc A.League và W.League (giải VĐ nữ Australia) tuyên bố ly khai khỏi LĐBĐ nước này, tự lập giải đấu riêng. Họ không đồng ý với cách làm bóng đá hiện tại của Australia và muốn thay đổi. Nhưng điều đó không có nghĩ là xứ chuột túi muốn tình hình khác đi với môn thể thao vua.

Từ chỗ "chê" không tham dự AFF Cup, Australia đang nghiêm túc cân nhắc gia nhập cuộc chơi với các đội bóng Đông Nam Á. Họ không chỉ muốn tranh tài ở cấp độ đội tuyển, mà còn hướng đến một sân chơi cấp CLB với một giải Super League thu nhỏ giữa các CLB hàng đầu Australia với Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Cường quốc bóng đá Australia ngày nào giờ chỉ muốn làm con cá lớn ở ao làng.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá