10 khoảnh khắc kinh điển trong lịch sử EURO (P1): Cú đá Panelka được khai sinh, Italia vô địch kiểu 'đỏ đen'
Thứ tư, 19/06/2024 19:37 (GMT+7)
2024 là năm tuổi thứ 17 của EURO. Hãy cùng iXxsmienbac.com điểm lại những khoảnh khắc được xem là kinh điển trong lịch sử giải đấu cao nhất lục địa già cấp độ đội tuyển.
1. Cú đá penalty của huyền thoại Panelka
Đó là loạt đá penalty thứ 5 của đội tuyển Tiệp Khắc trong trận chung kết EURO 1976, giữa Tiệp Khắc và Tây Đức. Cả cầu trường Red Star Stadium ở thủ đô Belgrade, khi đó thuộc liên bang Nam Tư như bị bóp nghẹt. Bầu không khí đặc quánh lại, bởi tính chất quan trọng, bởi khoảnh khắc lịch sử đang chờ đợi tất cả.
Antonin Panenka bước lên lĩnh trái bóng, đặt vào điểm đá phạt đền rồi lùi lại rất xa. Cứ nhìn vào động tác của tiền vệ đội tuyển Tiệp Khắc, thủ môn Sepp Maier bên phía Tây Đức tin rằng trái bóng sẽ bay về bên trái khung thành.
Bởi thế, Sepp Maier chủ động bước lên một nhịp trước khi bay người. Khốn khổ thay, Maier chẳng những không thể cản phá thành công, ông còn trở thành chứng nhân bất đắc dĩ của một thời khắc lịch sử.
Panelka khiến những ai có mặt ở sân Red Star cũng như theo dõi trận đấu qua TV phải sững sờ. Thay vì đá quả bóng về góc trái hay góc phải khung thành theo lẽ thường, tiền vệ 27 tuổi thực hiện cú sục bóng cực kỳ điệu nghệ. Trái bóng bay cao lên rồi chồm xuống, không quá mạnh nhưng cũng không đủ cho Maier quay ngược lại cản phá. Một khoảnh khắc thực sự hoàn hảo!
Đó là cách trận chung kết EURO 1976 kết thúc. Không chỉ riêng thủ môn Sepp Maier, người Tây Đức ngỡ ngàng, bàng hoàng và thất vọng. Thật khó tin khi Tây Đức, nhà đương kim vô địch thế giới mới 2 năm trước còn đánh bại Hà Lan trong trận chung kết World Cup 1974 ở Munich, đồng thời là nhà vô địch ở EURO 1972 khi thắng dễ Liên Xô 3-0, lại bị đánh bại bởi đội bóng mới lần đầu ghi danh vào chung kết.
Trước khi bước vào loạt luân lưu, Tây Đức và Tiệp Khắc đã hòa nhau 2-2, bất phân thắng bại từ 2 hiệp chính đến 2 hiệp phụ. Giải EURO lúc này loạt luân lưu đã ra đời. Ở lượt 4, Uli Hoeness của Tây Đức đá hỏng, trong khi cả 4 cú sút của đội tuyển Tiệp Khắc diễn ra suôn sẻ. Và tất cả đã làm nền để Panelka vẽ lên bản đồ bóng đá thế giới một khoảnh khắc kỳ diệu.
Vòng chung kết EURO 1976 đến nay đã trở thành một miền ký ức xa xăm, và nhà vô địch Tiệp Khắc đến nay không còn hiện diện trên bản đồ thế giới. Nhưng sau gần nửa thế kỷ, người hâm mộ vẫn gọi tên người hùng của giải đấu ấy, Antonin Panenka. Ông đi vào lịch sử giải đấu với tư cách một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất, nếu không muốn là vĩ đại nhất các vòng chung kết EURO.
2. Màn tung đồng xu giúp Italia vô địch EURO 1968
Xếp thứ hai trong chuỗi những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử EURO, đó là màn tung đồng xu giúp Italia vô địch EURO 1968. Sở dĩ người ta nhớ đến khoảnh khắc này nhiều như vậy, bởi đây là lần đầu tiên EURO chính thức mang tên EURO. 2 giải đấu trước đó, EURO được biết đến với tên gọi European Nations' Cup. Vì khi đó giải EURO còn khá sơ khai nên nó tồn tại những chuyện mà cho đến hôm nay có thể xem là hy hữu đến mức điên rồ.
Ở EURO 1968, Italia và Liên Xô gặp nhau ở bán kết. Lúc này giải đấu đã có thêm hiệp phụ. Dù vậy, 2 đội vẫn hòa nhau 0-0, trải dài từ 2 hiệp chính đến hết 2 hiệp phụ. Nếu như ngày nay, trận đấu sẽ bước vào loạt penalty thì cách đây 56 năm, người ta chưa nghĩ ra được phương pháp đó.
Vì thế, một quyết định thực sự choáng váng đã được trọng tài chính đưa ra. Đó là đưa 2 đội trưởng vào phòng thay đồ và thực hiện màn tung đồng xu lịch sử để quyết định đội bước vào trận chung kết. Lịch sử gọi tên Italia với chiến thắng theo kiểu điên rồ nhất. Trong khi đó, Liên Xô sau cú ngã đau đớn đó đã thua luôn Anh 0-2 trong trận tranh hạng 3.
3. Bàn thắng vàng của huyền thoại Michel Platini
Khoảnh khắc thứ 3 và xứng đáng được nhắc đến, đó là bàn thắng vàng của huyền thoại Michel Platini ở vòng chung kết EURO 1984. Giải đấu năm đó được tổ chức tại Pháp lần thứ 2 và cũng là giải đấu ghi dấu ấn cá nhân cực kỳ đậm nét của Platini.
Ngôi sao sáng giá nhất của tuyển Pháp khi đó đã ghi đến 7 bàn chỉ trong 3 trận vòng bảng. Nhờ vậy, Gà trống Gaulois giành vé đi tiếp với thành tích toàn thắng. Nhưng ở bán kết, Bồ Đào Nha đã gây ra quá nhiều khó khăn cho Pháp. 2 đội hòa nhau 1-1 trong 2 hiệp chính. Ở hiệp phụ, Bồ Đào Nha bất ngờ vượt lên dẫn trước khi Jordao lập cú đúp ở phút 98. Đến phút 114, Platini kiến tạo để Domergue. Và hơn hết ở phút 119, Platini trực tiếp ghi bàn thắng bằng vàng, giúp Pháp thắng 3-2. Ông ăn mừng như điên dại, niềm hạnh phúc khiến huyền thoại của bóng đá Pháp mất hoàn toàn ý niệm.
Vượt qua cửa tử mang tên Bồ Đào Nha, Pháp hạ tiếp 1 đội bóng khác của bán đảo Iberia, đó là đội tuyển Tây Ban Nha. Trận chung kết EURO 1984 tiếp tục chứng kiến phong độ chói sáng của Platini. Ông ghi bàn mở tỷ số cho đội bóng áo lam ở phút 57. Và sau đó, Bellone ấn định chiến thắng 2-0 cho Pháp ở phút 90. Nhờ vậy, Pháp lần đầu tiên vô địch EURO nhờ vào tài năng kiệt xuất của Platini.
4. Cú volley của huyền thoại Marco Van Basten
Khoảnh khắc thứ tư trở nên đáng nhớ trong lịch sử các vòng chung kết EURO, đó là cú volley của huyền thoại Marco Van Basten diễn ra ở chung kết EURO 1988. Nó được đánh giá là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử các vòng chung kết EURO. Nhận bóng sau quả tạt bên cánh trái, từ một góc rất hẹp, Van Basten quăng mình tung cú volley, bóng găm thẳng vào góc cao khung thành.
Đội tuyển Liên Xô là nạn nhân của khoảnh khắc lịch sử đó. Cú volley của Van Basten ở phút 54 trận chung kết năm 1988 đã đánh sập mọi hy vọng, ý chí thi đấu của các tuyển thủ Xô Viết. Trước đó, Ruud Gullit đã mở tỷ số cho Hà Lan ở trong hiệp 1. Chung cuộc, Hà Lan đánh bại tuyển Xô Viết 2-0 trong trận chung kết EURO 1988.
Cho đến nay, đây vẫn là danh hiệu lớn duy nhất của nền bóng đá Hà Lan, dù rằng họ từng có thời điểm thống trị nền bóng đá thế giới bằng tư duy bóng đá tổng lực. Đó là khoảnh khắc lịch sử, đánh dấu một thế hệ vàng đầy tài năng của bóng đá Hà Lan. Họ được mệnh danh là Những người Hà Lan bay của đội bóng áo cam.
5. Pha ăn mừng “Ghế nha sỹ” của huyền thoại bóng đá Anh Paul Gascoigne
Đứng thứ 5 trong top những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử các kỳ EURO, đó là pha ăn mừng được đặt tên là “Ghế nha sỹ” của huyền thoại bóng đá Anh Paul Gascoigne. Ông lập được khoảnh khắc kỳ diệu đó ở vòng chung kết EURO 1996, khi Anh đối đầu Scotland.
Tiền vệ đội tuyển Anh nổi tiếng vì lắm tài nhưng cũng nhiều tật. Trước trận gặp Scotland, Gascoigne bị chỉ trích thậm tệ nơi quê nhà vì uống rượu quá nhiều trong thời gian diễn ra giải đấu. Gazza đáp lại theo cách không thể ấn tượng hơn!
Ông lập siêu phẩm vào lưới Scotland. Và sau đó, Gascoigne nằm xuống cạnh cầu môn Scotland, chờ đợi các đồng đội xịt nước vào miệng. Đây là trò được gọi là “Ghế nha khoa” của tuyển Anh trước thềm EURO 1996. Gọi là “ghế nha khoa” nhưng thực chất chỉ trò uống rượu vô độ của các tuyển thủ Tam sư.
Nhưng giải đấu năm ấy, Anh cũng không thể đăng quang ngay trên sân nhà do để thua Đức trong loạt “đấu súng” ở bán kết. Người đang dẫn dắt tuyển Anh hiện tại, Gareth Southgate đã đá hỏng quả penalty quyết định, khiến thế hệ vàng của Paul Gascoigne không thể chinh phục 1 giải đấu lớn nào và cũng khiến tuyển Anh đến nay chưa 1 lần vô địch EURO.